Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ

Theo dân gian, ngày năm tháng năm âm lịch là ngày “diệt sâu bọ”. Người ta làm bánh trái, đồ xôi, nấu chè, bày hoa quả cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại cho cây cối, mùa màng và đời sống nói chung. Không rõ là Tết “diệt sâu bọ” ở xứ ta và ngày giỗ Khuất Nguyên ở bên Trung Quốc có gì liên quan nhau không? Riêng ở Việt Nam ta thì theo tục truyền rằng, ngày xưa, người Việt cổ, vào ngày 5 tháng 5 thường đi tìm rắn để giết vì rắn rết dù là loài bò sát nhưng vẫn bị coi là sâu bọ tai ác. Chả thế mà thằn lằn vốn hiền lành cũng bị nỗi “oan Thị Kính” đó sao:

“Đảo chân ai chẳng dám chầy

Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng Năm”

(Thiên Nam ngữ lục)

Người ta cũng cho hay là trong ngày mùng năm tất cả các con rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết. Ngày này, người ta nói rắn rất sợ người và trốn đi biệt tăm hết cả. Nhất là đến giờ Ngọ, thì khó mà nhìn thấy một con rắn hay chú thằn lằn nào?!

Thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ thái độ và diện mạo của những người hay sợ sệt nói chung. Thường đó là thái độ của những người nhu nhược sợ những người cấp trên hoặc những người nắm sinh mệnh kinh tế hay chính trị của mình một cách trực tiếp.

Trong tiếng Việt có thành ngữ len lét như chuột ngày đồng so sánh với thành ngữ trên mang sắc thái ý nghĩa kém hơn.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá