Hồng lâu mộng

Thu Sảng trai, định mở Xã hải đường

Hành Vu uyển, đêm nghĩ bài hoa cúc

Giả Chính được bổ chức học quan, liền chọn ngày hai mươi tháng tám lên đường. Hôm ấy, ông ta vào làm lễ cáo từ miếu tổ, cáo từ Giả mẫu, ra đi. Bọn Bảo Ngọc và mọi người gạt nước mắt tiễn theo.

Giả Chính đi rồi, Bảo Ngọc ở trong vườn tha hồ lêu lổng chơi bời. Ngày đi tháng lại, thì giờ trôi qua. Một hôm buồn quá Bảo Ngọc đi lượn quanh chỗ Giả mẫu, Vương phu nhân một lúc rồi lại về vườn. Vừa thay quần áo, thấy Thúy Mặc cầm mảnh giấy hoa tiên đưa đến. Bảo Ngọc nói:

- Ta định đến thăm cô Ba, lại quên mất, giờ chị đến may quá cô ấy đã đỡ chưa?

- Cô tôi đỡ rồi, chẳng qua cảm lạnh một tí thôi. Hôm nay không uống thuốc nữa.

Bảo Ngọc mở hoa tiên ra xem, thấy viết:

Em Thám kính thưa anh Hai,

Đêm trước, vừa tạnh mưa, mặt trăng trong suốt, tiếc cảnh dẹp không mấy khi được gặp, nên em chưa đi ngủ ngay. Đêm đã canh ba, em vẫn còn quanh quẩn ở dưới giàn ngô đồng, gặp phải gió sương trêu cợt, hơi bị cảm nhẹ. Trước anh đã thân hành đến yên ủi dặn dò. lại sai thị nhi sang thăm, và đưa biếu quả vải tươi với bút thiếp của Nhan Chân Khanh(1). Sao anh yêu mến chân thiết em quá thế? Giờ đương lúc nằm trên giường yên tĩnh, chợt nghĩ đến người xa dù ở trong trường danh lợi, cũng còn tìm nơi sông núi, mời mọc xa gần để qua lại vui chơi, tìm hỏi bầu bạn, kết thân với vài ba người cùng chung chí hướng; hoặc dựng văn đàn, hoặc mở thi xã tuy hứng thú nhất thời, nhưng cũng nghìn năm để tiếng. Em không có tài, nhưng được gần nơi suối khe vòm đá, lại thêm mến cô Tiết, cô Lâm là những người phong nhã. Thềm trăng sân gió, tiếc chưa được sum họp thi nhân; rèm hạnh khe đào, may có thể say sưa ngâm vịnh. Ai bảo đua tài nơi Liên xã(2), chỉ dành cho đám râu mày; mà họp mặt núi Đông Sơn(3), lại không nhường cho bọn son phấn? Nếu được anh đội tuyết đến chơi, em xin quét hoa để đợi.

Kính thư.

Bảo Ngọc xem xong, mừng quá, vỗ tay cười nói:

- Ai ngờ em Ba lại phong nhã đến thế! Phải sang bàn việc này mới được.

Nói xong đi ngay. Thúy Mặc chạy theo. Khi đến đình Thấm Phương, thấy một bà già đứng chực ở cửa sau vườn, tay cầm cái thiếp đón trình:

- Anh Vân đến hầu cậu, đương chờ ở cửa sau, nhờ tôi đem thiếp lại đây.

Bảo Ngọc giở xem, thấy viết:

Con là Vân, xin kính thăm thân phụ khoẻ mạnh luôn. Từ khi nhờ ơn trời, cho phép được gần dưới gối, ngày đêm mong mỏi một bề hiếu thuận, nhưng không có dịp để tỏ lòng hiếu thảo. Nhân được giữ việc mua hoa, trên nhờ hồng phúc phụ thân, con quen nhiều thợ trồng hoa và thấy nhiều vườn hoa đẹp. Vừa rồi thấy cây hải đường trắng là giống hiếm có, con đi tìm mãi mới mua được hai chậu. Nếu phụ thân coi con như con đẻ, xin nhận lấy để thưởng chơi. Vì trời đương nóng nực, con vào thẳng trong vườn, sẽ làm trở ngại cho các cô, nên không dám đến hầu tận nơi. Con viết thư này kính dâng và chúc phụ thân mạnh khỏe.

Con là Vân bái thư.

Bảo Ngọc xem rồi cười nói:

- Nó đến một mình hay có người nào nữa?

Bà già nói:

- Có một mình đem theo hai chậu hoa.

- Bà ra bảo nó, tôi biết rồi. Cảm ơn nó nghĩ đến tôi, rồi bà bưng hai chậu hoa vào trong nhà cho tôi.

Bảo Ngọc cùng Thúy Mặc đến Thu Sảng trai, đã thấy Bảo Thoa, Đại Ngọc, Nghênh Xuân, Tích Xuân đều ở đấy cả.

Mọi người thấy Bảo Ngọc đến, cười ầm lên nói:

- Lại thêm một người nữa!

Thám Xuân cười nói:

- Tôi cũng không nỗi tục lắm, ngẫu nhiên nghĩ đến việc này, viết mấy cái thiếp mời, không ngờ lại được các vị đến đủ cả.

Bảo Ngọc cười nói:

- Tiếc là hơi muộn, đáng lẽ nên mở thi xã sớm hơn nữa mới phải.

Đại Ngọc nói:

- Anh chị em việc mở thi xã, đừng tính tôi vào, tôi không dám dự đâu.

Nghênh Xuân cười nói:

- Cô mà không dám, còn ai dám nữa?

Bảo Ngọc nói:

- Đây là việc rất đứng đắn và lớn lao. Chúng ta nên hăng hái lên, đừng người nọ nhường cho người kia. Ý định của mỗi người thế nào, cứ việc nói ra, để chúng ta bàn bạc. Chị Bảo và cô Lâm hãy nói ý định của mình ra.

Bảo Thoa nói:

- Vội làm gì thế? Người đã đến đủ đâu.

Bỗng Lý Hoàn đến, cười nói:

- Nhã quá nhỉ! Định mở thi xã à! Tôi xin nhận chức Chưởng đàn. Mùa xuân vừa rồi, tôi vẫn có ý ấy, nhưng nghĩ mình không biết làm thơ, thì bày trò làm gì. Vì thế tôi quên đi, không nhắc đến nữa. Bây giờ cô Ba đã cao hứng, thì tôi cũng xin giúp để góp phần vui chung.

Đại Ngọc nói:

- Đã định mở thi xã thì chúng ta sẽ là thi nhân cả, trước hết nên bỏ những tiếng xưng hô “chị, em, chú, mợ” đi, mới không tục.

Lý Hoàn nói:

- Phải lắm. Đặt những biệt hiệu để gọi nhau mới nhã hơn. Tôi xin tự đặt cho tôi là “Đạo Hương lão nông”(4), không ai được giành cái tên ấy.

Thám Xuân cười nói:

- Tôi là Thu Sảng cư sĩ.(5)

Bảo Ngọc nói:

- Những chữ cư sĩ và chủ nhân không lấy gì làm nhã, mà lại lôi thôi. Ở đây có cây ngô đồng và ba tiêu, lấy nó đặt tên thì hay hơn.

Thám Xuân cười nói:

- Có đây, tôi thích nhất là cây ba tiêu, gọi ngay tôi là Tiêu hạ khách(6) cũng được.

Mọi người đều nói:

- Có phong cách đặc biệt! Rất thú vị!

Đại Ngọc cười nói:

- Chúng ta kéo nó ra nướng làm nem uống rượn đi!

Câu nói ấy không ai hiểu cả. Đại Ngọc lại cười nói:

- Trang Tử có nói: “Lá chuối che con hươu”, chị ấy tự xưng là Tiêu hạ khách, thì chẳng phải con hươu là gì? mang ngay hươu làm nem đi!

Mọi người nghe nói cười ầm lên. Thám Xuân cũng cười nói:

- Cô lại mắng khéo người ta đấy à? Chờ đấy, tôi đã nghĩ hộ cho cô một mỹ hiệu rất xứng đáng.

Rồi lại nói với mọi người:

- Ngày trước Nga Hoàng và Nữ Anh khóc nhiều, nước mắt nhỏ vào cây trúc, thành ra vằn khúc, nên người đời sau đặt tên là: “Tương Phi trúc”; bây giờ cô ấy ở quán Tiêu Tương, tính lại hay khóc, chắc sau này những cây trúc ở đó sẽ biến thành cây trúc có vằn cả. Từ giờ chúng ta gọi cô ấy là Tiêu tương phi tử mới đúng.

Mọi người nghe nói, đều vỗ tay khen hay. Đại Ngọc ngồi cúi đầu, không nói câu gì. Lý Hoàn cười nói:

- Tôi đã đặt hộ cô Tiết một biệt hiệu rất hay, chỉ có ba chữ thôi.

Mọi người vội vã hỏi:

- Chữ gì?

Lý Hoàn nói:

- Tôi phong cho cô ấy là Hành Vu Quân, các người nghĩ thế nào?

Thám Xuân nói:

- Tên phong ấy cũng rất hay.

Bảo Ngọc nói:

- Còn tôi, nhờ chị em đặt hộ cho một biệt hiệu.

Bảo Thoa cười nói:

- Anh đã có hiệu sẵn rồi, ba chữ Vô sự mang(6) đúng lắm.

Lý Hoàn nói:

- Thôi cứ gọi hiệu cũ của chú là Giang động hoa chu(7) là được rồi.

Bảo Ngọc cười nói:

- Đó là chuyện lúc còn bé, gợi ra làm gì nữa.

Thám Xuân nói:

- Anh có nhiều tên hiệu, còn phải đặt làm gì. Từ nay chúng tôi gọi gì, anh cứ thế mà thưa, thế là được rồi.

Bảo Thoa nói:

- Để tôi đặt cho anh một tên hiệu, kể ra thì rất tục nhưng lại rất đúng với anh. Ở đời khó nhất là phú quý, mà cũng khó nhất là nhàn rỗi, hai cái ấy không thể có cả được, vậy mà anh lại có cả hai. Thôi cứ gọi anh là Phú quý nhàn nhân.

Bảo Ngọc cười nói:

- Tôi đâu dám thế! Thôi tuỳ chị em muốn gọi là gì thì gọi.

Đại Ngọc nói:

- Gọi bừa như thế sao được? Anh ở viện Di Hồng, thì cứ gọi anh là Di Hồng công tử có hay không?

Mọi người đều nói:

- Cũng đúng đấy!

Lý Hoàn nói:

- Còn cô Hai, cô Tư đặt tên hiệu là gì?

Nghênh Xuân nói:

- Chúng em không biết làm thơ, thì đặt tên hiệu làm gì?

Thám Xuân nói:

- Dù sao cũng nên đặt hiệu mới phải.

Bảo Thoa nói:

- Cô Hai ở Tử Lăng châu, thì lấy hiệu Lăng Châu, cô Tư ở Ngẫu Hương tạ, thì lấy hiệu Ngẫu Tạ là xong.

Lý Hoàn nói:

- Như thế là hay rồi. Nhưng kể tuổi thì tôi lớn hơn, các người phải theo tôi. Tôi nói gì các người phải nghe theo. Trong bảy người chúng ta, tôi và cô Hai, cô Tư không biết làm thơ, thì nên chừa ba chúng tôi ra. Chúng tôi xin nhận mỗi người một việc.

Thám Xuân cười nói:

- Đã có biệt hiệu mà cứ gọi tên cũ, thà chẳng đặt cho xong. Từ giờ ai gọi sai sẽ phải phạt mới được.

Lý Hoàn nói:

- Đã đặt thi xã thì nên đặt lệ phạt. Bên nhà tôi rộng hơn, nên họp ở đấy. Tôi không biết làm thơ, nhưng các vị thi nhân cũng không hẳn là ghét tục, mà để cho tôi làm chủ, tất nhiên tôi cũng trở nên thanh nhã. Xin cứ cử tôi làm xã trưởng. Nhưng một mình tôi làm xã trưởng không đủ, cần phải cử thêm hai vị phó xã trưởng nữa. Tôi xin mời hai vị túc nho Lăng Châu và Ngẫu Tạ: một vị ra đầu bài và hạ vần, một vị viết tinh tả và giám sát. Nhưng cũng không câu nệ ba chúng tôi nhất thiết không làm thơ, nếu gặp đầu bài nào, vần nào hơi dễ, chúng tôi sẽ tùy tiện làm thôi. Còn bốn vị thì phải theo hạn định. Ý tôi như thế đấy, nếu các vị không bằng lòng, thì tôi không dám vào hội nữa.

Xưa nay Nghênh Xuân, Tích Xuân vẫn không thích làm thơ, nhất là lại ở trước mặt Bảo Thoa và Đại Ngọc. Giờ nghe nói thế, rất hợp ý mình, hai người đều nói “Phải lắm”.

Thám Xuân cũng hiểu ý ấy, thấy hai người bằng lòng, cũng hùa theo ngay, không nài ép nữa, liền cười nói:

- Thôi được rồi, nhưng nghĩ cũng buồn cười, chính tôi nêu ra việc này, lại để ba vị đến cai quản tôi.

Bảo Ngọc nói:

- Đã thế thì chúng ta đến ngay thôn Đạo Hương đi.

Lý Hoàn nói:

- Sao vội thế. Hôm nay mới chỉ bàn thôi, để tôi mời họp lại sẽ hay.

Bảo Thoa nói:

- Phải định mấy ngày một lần họp mới được.

Thám Xuân nói:

- Nếu họp luôn thì mất thú. Trong một tháng chỉ nên họp độ hai ba lần thôi.

Bảo Thoa nói:

- Một tháng họp hai lần là đủ rồi. Đã định hẳn ngày thì dù mưa gió cũng phải họp. Ngoài hai ngày ấy ra, ai có cao hứng, tình nguyện họp thêm, hoặc mời đi chỗ khác, hoặc cứ ở luôn đấy cũng được, như thế chẳng vui vẻ thích thú lắm sao?

Mọi người đều nói:

- Ý ấy rất hay.

Thám Xuân nói:

- Việc này tự tôi khởi xướng ra, phải để cho tôi làm chủ trước mới khỏi phụ cao hứng của tôi.

Lý Hoàn nói:

- Đã thế thì ngày mai cô mở đầu đi có được không?

Thám Xuân nói:

- Ngày mai không bằng hôm nay, cứ bắt đầu ngay bây giờ. Chị ra đầu bài, “ông” Lăng Châu hạ vần, “ông” Ngẫu Tạ giám trường.

Nghênh Xuân nói:

- Theo ý tôi, cũng nên giao cho một người nào ra đầu bài và hạ vần, cứ nên bỏ thăm mới công bằng.

Lý Hoàn nói:

- Khi tôi mới đến đây, trông thấy người ta mang đến hai chậu hải đường trắng đẹp lắm. Sao không vịnh ngay hoa ấy.

Nghênh Xuân nói:

- Hoa chưa được thưởng, đã làm thơ à?

Bảo Thoa nói:

- Chẳng qua là hoa hải đường trắng, cần gì phải trông thấy mới làm được thơ? Người đời xưa làm thơ phú, chỉ cốt mượn vật để ngụ ý mình thôi. Cứ chờ trông thấy mới làm, thì bây giờ chả còn bài thơ nào nữa.

Nghênh Xuân nói:

- Đã thế thì tôi hạ vần đây.

Nói xong, chạy đến tủ sách, lấy một quyển thơ, mở một tờ ra, là một bài thơ “Thất ngôn Đường luật”, liền đưa cho mọi người xem, thế là ai cũng phải làm thơ thất ngôn. Nghênh Xuân gập sách lại, bảo một a hoàn nhỏ:

- Mày tùy ý nói ra một chữ.

A hoàn đương đứng tựa cửa, nên nói ngay chữ môn (cửa).

Nghênh Xuân cười nói:

- Chữ môn theo vần thập tam nguyên. Như vậy là câu thơ đầu phải lấy chữ “môn”.

Nói rồi bảo đưa cái hộp tập vận, và kéo cái ngăn có vần thập tam nguyên ra, rồi bảo a hoàn trỏ vào bốn chữ. A hoàn chỉ đúng bốn chữ bồn, hồn, ngôn, hôn(8).

Bảo Ngọc nói:

- Chữ bồn và chữ môn khó gieo cho hay được.

Thị Thư xếp sẵn bốn phần bút giấy, rồi ai nấy đều ngồi lặng lẽ nghĩ thơ. Chỉ có Đại Ngọc khi vịn cây ngô đồng, khi nhìn trời thu, khi đùa với bọn a hoàn. Nghênh Xuân lại sai a hoàn thắp một cây mộng điềm hương(9). Nén hương chỉ dài ba tấc, xấp xỉ bằng cái bấc đèn, vì là mau tàn, cho nên lấy hương định hạn. Nếu hương cháy hết, ai chưa làm đong, sẽ bị phạt.

Thám Xuân làm xong trước, lấy bút viết ra, lại xóa xóa chữa chữa một lúc, rồi đưa cho Nghênh Xuân. Thám Xuân quay lại hỏi Bảo Thoa:

- Hành Vu quân đã làm xong chưa?

- Làm xong rồi, nhưng không hay.

Bảo Ngọc chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trên thềm và bảo Đại Ngọc:

- Em xem kìa, người ta đã làm xong cả rồi.

- Anh cứ để mặc tôi.

Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa đã viết xong, liền hỏi:

- Nguy rồi! Hương chỉ còn một tấc, mà tôi mới nghĩ được bốn câu!

Lại quay bảo Đại Ngọc:

- Hương gần cháy hết rồi, em cứ ngồi ở chỗ đất ẩm làm gì?

Đại Ngọc cũng không trả lời. Bảo Ngọc nói:

- Thôi! Đành mặc kệ cô, dù hay dù dở, tôi cứ viết ra cho xong.

Nói xong, chạy đến bàn viết.

Lý Hoàn nói:

- Chúng ta bắt đầu xem thơ đây. Xem xong những bài này, ai còn chưa nộp, sẽ phải phạt.

Bảo Ngọc nói:

- Đạo Hương lão nông tuy làm thơ không hay, nhưng xem thơ rất tinh, rất công bằng, lời phê của “ông” ai cũng phải phục.

Mọi người đều gật đầu:

Bấy giờ bắt đầu xem thơ của Thám Xuân, thấy viết:

VỊNH HOA HẢI ĐUỜNG TRẮNG

Cỏ lướt bên ngoài lúc xế chiều,(10)

Tạnh mưa xanh ngắt chậu đầy rêu.

Ngọc pha vẻ quí người khôn đọ,

Tuyết trắng màu da bụng đã xiêu.

Nhị ngát hoa khoe chiều ẽo ợt,

Canh khuya trăng gợn bóng treo leo.

Cảo tiên(11) này bảo đừng bay vội,

Vịnh cảnh hoàng hôn dãi tấm yêu.

Rồi xem đến bài của Bảo Thoa:

Cửa khép vì hoa khép suốt ngày,

Tưới hoa bình nước sẵn cầm tay.

Phấn son rửa sạch thềm thu nọ,

Băng tuyết vời về bực móc đây.

Lạt thếch hoa càng thêm được vẻ,

Buồn tênh ngọc cũng phải chau mày.

Muốn dâng Bạch Đế mầu trong trắng,

Lẳng lặng chờ đây lúc xế tây.

Lý Hoàn cười nói:

- Rút lại thì bài của Hành Vu quân là hay!

Nói xong lại xem bài của Bảo Ngọc:

Lặng lẽ trời thu dọi cửa lầu,

Bảy cành chụm lại tuyết pha mầu.

Thái Chân(12) ra tắm làn băng nuột,

Tây tử ngồi nhăn nét ngọc sầu

Gió sớm khôn tan ngàn mối hận,

Mưa đêm lại đọng mấy dòng châu.

Lan can đứng tựa lòng man mác,

Sáo thổi chầy deo khéo cợt nhau.

Mọi người xem rồi, Bảo Ngọc nói:

- Bài của Thám Xuân hay.

Lý Hoàn lại khen bài của Bảo Thoa hay hơn và nói:

- Lời thơ có thần.

Rồi lại giục Đại Ngọc, Đại Ngọc liền hỏi:

- Các người xong cả rồi à?

Nói xong cầm bút ngoáy một lúc, rồi vứt cho mọi người.

Bọn Lý Hoàn cầm lấy xem, thấy:

Lơ lửng rèm Tương cửa khép hờ,

Đất băng chậu ngọc, khéo xinh chưa.

Mới đọc hai câu, Bảo Ngọc đã reo ầm lên: “Ở đâu mà nghĩ ra được tứ ấy?”

Lại xem câu dưới:

Lê đầy nhị trắng đành vay ngọt,

Mai sẵn hồn thơm cứ mượn bừa.

Mọi người đều khen hay, nói: “Quả nhiên có một ý nghĩ khác người”. Lại xem đến mấy câu dưới:

Cõi nguyệt tiên may tay áo trắng,

Buồng thu khách gạt hạt châu sa.

Ngượng ngùng biết ngỏ cùng ai nhỉ?

Gió lạnh đêm mờ đứng ngẩn ngơ.

Mọi người xem xong đều nói:

- Bài này hơn cả.

Lý Hoàn nói:

- Về tình tứ phong lưu thì bài này hay hơn, nhưng về hàm súc hồn hậu thì vẫn phải nhường cho Hành Vu Quân.

Thám Xuân nói:

- Lời phê rất đúng. Tiêu Tương phi tử phải đứng thứ hai.

Lý Hoàn nói:

- Di Hồng công tử phải đội bảng, có chịu hay không?

Bảo Ngọc nói:

- Bài của tôi thực không hay, lời bình ấy rất công bằng - Lại cười nói - Nhưng cần phải châm chước lại hai bài của Hành Vu Quân và Tiêu Tương.

Lý Hoàn nói:

- Đây là theo bình luận của tôi, không can đến các vị, nếu ai nói nữa sẽ bị phạt.

Bảo Ngọc nghe nói, đành phải thôi. Lý Hoàn nói:

- Từ giờ về sau, tôi định mỗi tháng họp hai lần, vào ngày mồng hai và mười sáu. Tôi nhận việc ra đầu bài và hạn vần. Ai còn cao hứng, cứ việc chọn vào ngày khác, dù có họp luôn cả tháng tôi cũng mặc. Trừ ngày mồng hai và ngày mười sáu là phải đến họp ở nhà tôi.

Bảo Ngọc nói:

- Bây giờ nên đặt tên hội đi.

Thám Xuân nói:

- Đặt tên tục quá thì không hay, mới quá lại hoá ra kỳ quặc cũng không đẹp. Vừa rồi mới làm bài thơ hải đường, thì đặt ngay là “Hải Đường xã” cũng được. Tuy hơi tục đấy, nhưng là việc có thực, không quan hệ gì.

Mọi người lại bàn một lúc, uống rượu, ăn hoa quả qua loa rồi đi, có người về nhà, có người đến chỗ Giả mẫu và Vương phu nhân.

Tập Nhân thấy Bảo Ngọc xem xong tờ thiếp của Giả Vân rồi cùng Thuý Mặc ra đi, không biết là việc gì. Sau lại thấy bà già ở cửa sau đem hai chậu hoa hải đường vào, Tập Nhân hỏi ở đâu đem đến, bà già kể lại đầu đuôi cho nghe. Tập Nhân bảo họ mang ra bày tử tế, rồi mời họ xuống buồng dưới ngồi. Sau đó Tập Nhân vào trong nhà cân và gói cẩn thận sáu đồng bạc, lại lấy ba trăm đồng tiền mang ra đưa cho bà già nói:

- Số bạc này thưởng cho bọn trẻ con mang chậu hoa đến. Số tiền này thì cho các bà uống rượu.

Bọn bà già đứng dậy, mặt mũi hớn hở, tạ ơn, luôn mồn từ chối. Tập Nhân nhất định không nghe, mãi họ mới chịu nhận. Tập Nhân lại hỏi:

- Bên ngoài cửa sau có bọn trẻ con trực nhật không?

Bà già vội nói:

- Ngày nào cũng có bốn đứa trẻ con chực sẵn ở đấy để xem có sai bảo gì không. Nếu cô cần sai việc gì, tôi sẽ bảo chúng đi.

Tập Nhân cười nói:

- Tôi có việc gì mà sai? Hôm nay cậu Bảo muốn sai người sang đưa cho cô Sử ít quà, may có các bà đến đây, nhân tiện lúc về, bảo hộ bọn trẻ chực ở cửa sau thuê cho cái xe. Đến khi về, các bà đến đây mà lấy tiền và đừng cho chúng nó chạy bậy sang bên nhà.

Bọn bà già vâng lời đi.

Tập Nhân vào trong buồng lấy cái đĩa đựng quà để đưa sang cho Tương Vân. Khi tìm trong ngăn tủ, không còn cái đĩa nào, Tập Nhân ngoảnh lại thấy bọn Tình Văn, Thu Văn, Xạ Nguyệt đương ngồi thêu, liền hỏi:

- Cái đĩa mã não trắng đâu rồi?

Thấy hỏi, người nọ nhìn người kia, nghĩ mãi không biết để ở đâu. Một lúc, Tình Văn cười nói:

- Đựng quả vải đưa sang biếu cô Ba, chưa lấy về.

Tập Nhân nói:

- Nhà còn nhiều thứ kia mà, sao lại lấy cái ấy?

Tình Văn nói:

- Tôi cũng bảo thế, nhưng chỉ có cái đĩa ấy mà để những quả vải thì mới dễ coi. Tôi mang sang, cô Ba cũng khen đẹp, rồi để luôn bên đó. Chị xem lại còn một đôi lọ liên châu để ở ngăn tủ trên cũng chưa mang về.

Thu Văn cười nói:

- Nói đến cái lọ ấy, tôi lại nhớ đến một việc đáng buồn cười! Cậu Bảo nhà ta khi mà động lòng hiếu thảo, thật là hiếu thảo bội phần. Một hôm, trong vườn có hoa quế, cậu ấy bẻ hai cành, định cắm vào lọ để chơi, chợt nghĩ đó là hoa tươi mới nở, không dám chơi trước, liền lấy ngay đôi lọ xuống, đổ nước, cắm hoa vào, sai người mang đi và thân hành xuống biếu bên cụ một lọ, bên bà Hai một lọ. Ngờ đâu bụng hiếu của cậu ấy làm cả người theo cũng được phúc lây. Hôm ấy chính tôi mang đi, cụ trông thấy mừng cuống quít lên, gặp ai cũng nói: “Thực là cháu Bảo có hiếu quá, ngay một cành hoa nó cũng nghĩ đến ta, thế mà có người cứ oán ta hay thương nó”. Các chị phải biết xưa nay cụ chẳng nói câu gì với tôi cả, hình như tôi có cái gì không lọt vào con mắt của người; thế mà hôm ấy cụ lại sai người lấy mấy trăm đồng tiền cho tôi, bảo tôi là đáng thương, từ bé hay ốm yếu luôn, thật là một điều may mắn bất ngờ cho tôi. Mấy trăm đồng tiền chả là bao, nhưng được thể diện như thế là rất khó. Rồi đi đến chỗ bà Hai, gặp người và mợ Hai cùng dì Triệu, dì Chu đương lục hòm tìm những quần áo của người khi còn trẻ tuổi, không biết người định lấy để cho ai. Lúc trông thấy tôi, người không tìm quần áo nữa, liền đến xem hoa. Mợ Hai lại đứng cạnh tán tỉnh, khen lấy khen để cậu Bảo, nào là biết hiếu thuận, biết điều phải chăng, cái có cũng như cái không, kể ra một tràng, vừa lấp được họng mọi người, lại làm bà càng hãnh diện, vui mừng thêm, thưởng ngay cho tôi hai cái quần áo may sẵn. Quần áo cũng chẳng đáng là bao, năm nào mà chả có, nhưng không khi nào tôi được hãnh diện như lúc này.

Tình Văn cười nói:

- Con ranh con này, chả biết gì cả! Những cái tốt thì cho người khác, còn những cái thừa thãi bà mới gọi đến mày, thế mà mày lại cho là hãnh diện!

Thu Văn nói:

- Dù cho ai thừa đi nữa, cũng là ơn của bà.

Tình Văn nói:

- Phải như tao thì tao không cần lấy. Thừa người ta rồi mới đến mình! Cũng đều là người trong nhà cả, chả lẽ lại ai quý hơn ai? Áo quần đẹp thì đem cho người, thừa ra mới đến mình, chẳng thà không nhận, dù có phật ý người cũng đành, chứ tao thì không thể chịu nổi thế được.

Thu Văn vội hỏi:

- Cho ai thế hở chị? Hôm nọ em ốm mấy ngày, về nhà, không biết gì cả. Chị bảo cho em biết với.

Tình Văn nói:

- Tao bảo cho mày biết, không lẽ mày đem trả lại bà hay sao!

Thu Văn nói:

- Sao lại như vậy! Tôi biết để mừng đấy thôi. Dù có cho con chó nhà này đi nữa, tôi cũng vẫn phải nhận ơn của bà, ngoài ra không có ý gì khác.

Mọi người nghe vậy cười nói:

- Nó chửi khá đấy! Chả phải bà đã cho con chó hoa rồi ư?

Tập Nhân cười nói:

- Đồ thối họng! Hễ há mồm ra là y như đem tao ra làm trò cười! Rồi đây chưa biết đứa nào sẽ chết ra làm sao.

Thu Văn nói:

- Thế ra chị được áo quần đấy à? Em không biết, xin lỗi chị nhé!

Tập Nhân cười nói:

- Thôi bông đùa vừa vừa chứ? Việc chính là ai đi lấy cái đĩa về bây giờ.

Xạ Nguyệt nói:

- Còn cái lọ thì khi nào rồi cũng nên lấy về. Bên nhà cụ còn có thể để đấy được, chứ bên nhà bà Hai thì đông người lộn xộn, người khác còn khá, chứ cái bọn dì Triệu hễ trông thấy cái gì của nhà này là sinh lòng đen tối, muốn làm thế nào cho hư hỏng mới thôi. Bà Hai thì chẳng trông nom gì đến những thứ ấy, chi bằng lấy ngay về là hơn.

Tình Văn bỏ ngay kim chỉ xuống nói:

- Thế thì tôi đi lấy về nhé.

Thu Văn nói:

- Để tôi đi lấy, chị đi lấy cái đĩa của chị.

Tình Văn nói:

- Để tao đi cho. Có dịp tốt, chúng bay tranh mất cả, không để cho tao đi một chuyến à?

Xạ Nguyệt cười nói:

- Chỉ có lần ấy con Thu Văn mới vớ được món may thôi, chứ có phải ai cũng gặp lúc bà Hai lục quần áo ra cho đâu.

Tình Văn cười nhạt:

- Dù không gặp lúc lục quần áo, nhưng biết đâu thấy tao là người cẩn thận, bà Hai lại chẳng lấy hai lạng bạc trong số tiền chi dùng hàng tháng của người ra cho tao.

Rồi lại cười bảo:

- Chúng mày đừng làm trò ma quỷ lẻn lút với tao nữa, việc gì mà tao chả biết.

Nói xong chạy đi, Thu Văn cũng đi đến nhà Thám Xuân để lấy cái đĩa.

Tập Nhân sắm sửa các thứ xong, gọi vú Tống đến bảo:

- Bà về rửa mặt chải đầu, thay quần áo, rồi đến đây lấy các thứ quà, mang sang biếu cô Sử.

Vú Tống nói:

- Cô cứ việc giao cho tôi, có điều gì cứ dặn, tôi thu xếp xong sẽ đi ngay.

Tập Nhân liền bưng ra hai hộp sơn nhỏ bằng tre đan, mở hộp ra thấy trong đựng hai thứ quả tươi, lại mở hộp kia thấy một đĩa bánh đường quả quế. Tập Nhân nói:

- Đây đều là thứ quả tươi trong vườn năm nay, cậu Bảo sai mang sang để cô nếm. Khi trước cô khen cái đĩa mã não này đẹp, thì cô cứ để lại mà dùng. Hôm nọ cô có bảo tôi thêu cái bao lụa này, nếu cô không cho là xấu, xin hãy dùng tạm. Cậu Bảo và chúng tôi gửi lời hỏi thăm cô.

Vú Tống hỏi:

- Không biết cậu Bảo có còn dặn câu gì nữa không. Cô đi hỏi rồi về bảo tôi, không có lại quên.

Tập Nhân hỏi Thu Văn:

- Cậu ấy đương ở nhà cô Ba phải không?

- Họ đương ở đấy bàn việc mở thi xã gì đó, chẳng dặn gì cả bà cứ việc đi thôi.

Vú Tống nhận các thứ và đi mặc áo quần.

Tập Nhân dặn:

- Bà đi ra đằng cửa sau, có đứa bé và xe đương chờ ở đấy.

Vú Tống đi rồi, Bảo Ngọc mới về, đứng xem hoa hải đường một lúc, rồi vào trong nhà nói với Tập Nhân việc mở hội làm thơ. Tập Nhân kể cho Bảo Ngọc biết việc sai vú Tống đưa quà sang biếu Tương Vân. Bảo Ngọc vỗ tay nói:

- Thôi, tôi quên mất cô ta rồi! Trong bụng cứ băn khoăn, không nhớ ra việc gì, may được chị nhắc đến. Tôi muốn mời cô Sử sang chơi. Hội thơ mà thiếu cô ta thì còn có thú gì nữa.

Tập Nhân nới:

- Cần thiết gì việc ấy? Chẳng qua là trò chơi thôi. Cô ấy có được rộng rãi như các cô, các cậu bên này đâu. Hơn nữa ở trong nhà cô ấy lại không được làm chủ. Khi báo tin, cô ấy muốn sang, nhưng không tự tiện sang được, trong bụng chắc lại áy náy khó chịu.

Bảo Ngọc nói:

- Không sao, tôi sẽ trình cụ cho người sang đón cô ấy.

Đương nói thì vú Tống về, kể lại việc Tương Vân chuyển lời cảm ơn Tập Nhân và nói:

- Cô Sử hỏi cậu Bảo ở nhà làm gì? Tôi nói cậu ấy và các cô đương mở hội thơ. Cô ấy bực lắm nói, họ làm thơ mà chẳng cho mình biết.

Bảo Ngọc nghe nói, liền quay sang giục Giả mẫu cho người đi đón Tương Vân sang. Giả mẫu nói:

- Hôm nay muộn rồi, ngày mai sẽ cho đi sớm.

Bảo Ngọc đành phải thôi, trở về có vẻ buồn rầu. Sáng sớm hôm sau lại sang giục Giả mẫu. Đến chiều, Tương Vân sang, Bảo Ngọc mới yên lòng. Khi gặp nhau, Bảo Ngọc kể hết đầu đuôi cho Tương Vân nghe và muốn cho Tương Vân xem những bài thơ đã làm. Bọn Lý Hoàn nói:

- Không cho xem thơ trước, hãy để cho cô ta viết mấy chữ đã, cô ta đến sau, bắt phạt phải họa thơ. Hay thì mời vào hội, không hay bắt phải làm một bữa rượu rồi mới nói chuyện.

Tương Vân cười nói:

- Các người quên không mời tôi thì đáng bắt phạt mới phải chứ! Xin cho biết hạn vần, tôi tuy chẳng hay ho gì, cũng cố gắng hiến một trò cười. Nếu cho tôi vào hội, dù phải quét nhà, thắp hương tôi cũng vui lòng. Mọi người thấy Tương Vân hứng thú như thế, lại càng vui, đều ân hận: “Sao hôm nọ lại quên bẵng cô ta đi”. Liền đưa vần cho Tương Vân họa.

Tương Vân cao hứng quá, chẳng cần cân nhắc sửa đổi gì, vừa nói chuyện vừa nghĩ thơ. Nhân có bút giấy sẵn đấy, liền viết luôn và cười nói:

- Tôi không biết hay dở thế nào, cũng xin tuân lệnh, theo vần họa ra đây hai bài.

Mọi người nói:

- Chúng tôi bốn người làm được bốn bài, đã cho là hết ý rồi, muốn làm thêm một bài nữa cũng không nổi. Thế mà một mình cô Vân lại làm được hai bài. Không biết trong thơ nói những gì? Chắc cô có câu trùng với thơ của chúng tôi.

Họ vừa nói vừa xem, thấy hai bài thơ viết:

Họa bài thơ hải đường trắng.

I

Hôm nọ thần tiên xuống cửa thành,

Lam điền trồng ngọc chậu xinh xinh.

Suơng Nga(13) tính vẫn hay ưa lạnh,

Thiếu nữ(14) lòng đâu nỡ dứt tình.

Tuyết ở nơi nào thu kéo lại,

Mưa từ đêm trước ngấn in rành,

Nhà thơ vui nhỏ, ngâm tràn mãi,

Nỡ để chiều hôm cảnh vắng tanh.

II

Thềm cỏ thông sang cửa tiết la.(15)

Này tường này chậu đẹp bao là.

Hoa vì thích sạch thành trơ trọi,

Người những thương thu dễ ngẩn ngơ.

Giọt lệ khô theo cây đuốc ngọc,

Rèm tinh soi suốt bóng gương nga.

Nỗi riêng muốn ngỏ cùng dì Nguyệt,

Thềm vắng đêm mờ đã chán chưa!

Đọc đến đâu, mọi người đều lấy làm kinh lạ, khen ngợi đến đó.

- Thơ này mới đáng là thơ vịnh hải đường chứ! Thực đúng với tên hội là “Hải đường xã”.

Tương Vân nói:

- Ngày mai xin phạt tôi làm chủ. Để mời tôi họp trước một lần có được không?

Mọi người nói:

- Thế thì càng hay.

Rồi họ đem những bài thơ trước ra cho Tương Vân bình một lượt.

Đến chiều, Bảo Thoa mời Tương Vân sang Hành Vu uyển nghỉ. Tương Vân ngồi trước đèn, nghĩ việc thiết tiệc và ra đầu bài. Bảo Thoa nghe Tương Vân tính toán lúc lâu, xem chừng chưa ổn, liền nói:

- Đã mở hội, tất nhiên phải biện tiệc rượn. Tuy là việc chơi, nhưng cũng phải suy tính cho kỹ. Làm thế nào được biện cho mình mà không mang lỗi với người khác, thì mới có thú. Chị ở nhà, có được làm chủ đâu, mỗi tháng chỉ có mấy quan tiền, còn chưa đủ dùng, bây giờ lại làm cái việc không đâu, nếu dì chị biết, lại oán trách chị. Vả chăng, chị có mang tất cả số tiền của chị ra mà tiêu cũng không đủ, không lẽ vì việc này chị về xin tiền bên nhà, hay định xin tiền bên này?

Tương Vân nghe xong, tỉnh ngộ, đâm ra khó nghĩ. Bảo Thoa nói:

- Việc này tôi đã có ý định. Trong hàng cầm đồ nhà tôi có một người buôn chung, ở vùng ông ta có nhiều cua ngon, trước kia ông ta đã mang đến biếu nhà tôi mấy con. Ở bên này từ cụ trở xuống đến người trong vườn, phần nhiều thích ăn cua cả. Hôm nọ mẹ tôi đã nói muốn mời cụ đến vườn thưởng hoa quế và ăn cua, nhưng bận việc chưa mời được. Giờ chị chưa nên gợi chuyện mở hội thơ vội, hãy cứ mời mọi người đến thưởng hoa quế và ăn cua. Khi họ ăn xong, trở về thì bao nhiêu thơ mà chúng ta chẳng làm được? Để tôi nói với anh tôi tìm mấy giỏ cua thật béo, thật to, rồi về cửa hàng nhà tôi lấy mấy vò rượu ngon, lại sắm bốn năm khay hoa quả, như thế chẳng gọn việc, mà mọi người cùng vui cả hay sao?

Tương Vân Nghe nôi, rất cảm phục, khen Bảo Thoa nghĩ việc chu đáo. Bảo Thoa lại cười nói:

- Do lòng thành thực đối với chị mà tôi nói ra câu ấy, chị đừng nên băn khoăn lại cho tôi là khinh rẻ chị, thì phí cả cái tình thân thiết của hai chúng ta. Chị đừng nên nghĩ ngợi gì, tôi sẽ bảo người đi sắm sửa ngay.

Tương Vân vội cười nói:

- Chị nói thế thì vẫn còn ngờ vực tôi. Dù tôi có u mê đến đâu, cũng biết phân biệt lời hay lẽ phải; nếu không thì còn ra người sao được. Tôi không coi chị như là chị ruột thì trước đây những việc rắc rối trong nhà tôi, khi nào tôi lại kể hết cho chị biết.

Bảo Thoa gọi một bà già đến bảo:

- Bà ra nói với cậu Cả, mua cho tôi mấy giỏ cua to, như cua hôm trước ấy. Ngày mai cơm sáng xong, tôi sẽ mời cụ cùng các bà, các cô sang vườn thưởng hoa quế. Bà dặn cậu ấy đừng có quên nhé. Hôm nay tôi đã mời khách rồi đấy.

Bảo Thoa lại nói với Tương Vân:

- Đầu bài thơ không nên lắt léo quá, cứ xem thơ của người trước, có đề mục kỳ quặc và vần hiểm hóc lắm đâu. Nếu ra đầu bài lắt léo quá, hạn vần hiểm hóc quá, thơ không thể nào hay được, có khi đâm ra gò bó, hẹp hòi. Thơ cố nhiên nên tránh những chữ sáo, nhưng cũng không nên quá cầu kỳ, cốt lập ý cho mời, thì lời thơ sẽ không tục. Nhưng rút cục thì việc này, đối với chúng ta, cũng không đáng kể. Phận sự của chúng ta là may dệt thêu thùa. Khi nào rỗi, đem sách bổ ích cho mình ra đọc ít chương, như thế mới là việc chính đáng.

Tương Vân chỉ vầng tràn, rồi cười nói:

- Tôi nghĩ hôm nọ đã làm thơ hải đường rồi, bây giờ nên làm thơ hoa cúc, chị nghĩ thế nào?

Bảo Thoa nói:

- Thơ hoa cúc cũng hợp cảnh đấy, nhưng người trước đã làm nhiều rồi.

- Tôi cũng nghĩ thế, sợ lại rơi vào sáo cũ.

Bảo Thoa nghĩ một lúc, cười nói:

- Được rồi. Bây giờ lấy hoa cúc làm khách, lấy người làm chủ. Mình nghĩ ra mấy đầu bài, mỗi đầu bài có hai cliữ: một chữ “hư”, một chữ “thực”. Chữ “thực là “cúc”, còn “hư” muốn dùng chữ gì thì dùng. Như thế là vừa vịnh cúc lại vừa kể việc. Người xưa chưa làm thế, cũng không đến nỗi rơi vào sáo cũ. Tả cảnh và vịnh vật, hai cái ấy đi đôi với nhau, như thế mới rộng rãi và mới mẻ.

Tương Vân cười nói:

- Hay lắm! Nhưng không biết dùng chữ “hư” gì cho hay? Chị nghĩ dùm một chữ xem nào?

Bảo Thoa nghĩ một lúc rồi cười nói:

- Cúc mộng cũng được.

- Hay thực! Tôi cũng nghĩ một chữ Cúc ảnh có được không?

- Cũng được, nhưng đã có người làm rồi. Nếu có nhiều đầu bài, thì chữ ấy cũng ghép vào được. Tôi lại có một chữ khác.

- Chữ gì?

- Vấn cúc được không

Tương Vân đập bàn khen hay, liền nói tiếp:

- Tôi cũng có rồi, Phỏng cúc có được không?

Bảo Thoa cũng khen thú lắm, liền nói:

- Chúng ta cố nghĩ mười đầu đề, rồi sẽ hay.

Nói xong, hai người mài mực, nhúng bút. Tương Vân viết. Bảo Thoa đọc, một lúc nghĩ được tất cả mười đầu đề. Tương Vân xem một lượt, cười nói:

- Mười đầu đề chưa đủ thành một bức, phải cố tìm lấy mười hai đầu đề, cũng giống như những trang chữ viết và bức vẽ của người ta vậy.

Bảo Thoa lại nghĩ thêm hai đầu đề nữa, rồi nói:

- Đã thế phải theo thứ tự mà biên ra.

- Hay lắm, thế là làm thành một Cúc phả đấy.

- Bài đầu là ức cúc, nhớ không thấy thì phải đi tìm, nên bài thứ hai là Phỏng cúc. Tìm được rồi, đem đi trồng, nên bài thứ ba là Chủng cúc. Trồng đã có hoa rồi thì ngắm mà thưởng, nên bài thứ tư là Đối cúc. Ngắm rồi thấy hứng thú dồi dào, phải bẻ cành cắm vào lọ, nên bài thứ năm là Cung cúc. Đã cung mà không ngâm vịnh thì sao biết là cúc đẹp, nên bài thứ sáu là Vịnh cúc. Đã vịnh rồi, còn cần phải lấy bút mực vẽ ra nữa, nên bài thứ bảy là Họa cúc. Đã vẽ rồi, mà cứ lẳng lặng không nói gì, thì biết cúc đẹp ở chỗ nào, cần phải hỏi mới biết được nên bài thứ tám là Vấn cúc. Nếu cúc mà biết nói, sẽ làm cho người ta sung sướng quá, nên bài thứ chín là Trâm cúc. Như thế là việc người tuy đã làm xong, nhưng cúc còn nhiều cái đáng vịnh nữa, nên bài Cúc ảnh và Cúc mộng để vào thứ mười và thứ mười một: cuối cùng là bài Tàn cúc, để kết thúc tất cả các bài trước. Như vậy là cảnh đẹp, thú vui trong ba tháng thu đều có đầy đủ.

Tương Vân theo thứ tự chép ra, lại xem một lượt rồi hỏi:

- Nên hạn vần gì?

- Xưa nay tôi không thích hạn vần, cốt thơ cho hay, tội gì cứ phải trói vần. Chúng ta chớ nên học những nhà thơ gò bó, hẹp hòi, cứ ra đầu bài, không cần hạn vần. Cốt sao mọi người nghĩ ra câu thơ hay cho vui, chứ không phải lấy vần ra để làm khó dễ.

- Chị nói rất phải, nếu được thế thì thơ của chúng ta lại càng hay thêm. Nhưng chúng ta chỉ có năm người đều phải làm đủ cả mười hai bài hay sao?

- Nếu thế thì làm khó cho người ta quá. Giờ hãy viết đầu bài cho cẩn thận, bắt buộc theo luật thơ thất ngôn, ngày mai dán lên tường cho mọi người xem, ai làm được bài nào thì cứ làm, nếu đủ sức sẽ làm cả mười hai bài, không thì làm được một bài cũng được. Cứ ai tài giỏi làm nhanh là hơn. Ai đã làm xong mười hai bài của mình rồi, không được làm nữa, trái lệnh sẽ phải phạt.

- Thôi thế là được rồi.

Hai người bàn nhau đâu vào đấy, mới tắt đèn đi ngủ.


(1). Tên chữ là Thanh thần, đỗ tiến sĩ đời Đường, học rộng văn hay, viết các lối chữ rất đẹp. Khi làm thái thủ quận Bình Nguyên, đem quân đi đánh An Lộc Sơn, được phong Lỗ quận công. Sau Lý Hy Liệt làm phản, Chân Khanh bị nó giết.

(2). Tức Bạch Liên Xã, pháp sư Tuệ Tiễn đời nhà Tần, ở chùa Đông Lâm, họp 123 người, vừa nho vừa thích, kết làm bạn nghiên cứu triết lý và phật học. Vì chùa này trồng nhiều sen trắng, nên lấy nó đặt tên.

(3). Ở tỉnh Chiết Giang, Tạ An đời nhà Tấn thường ra chơi ở đây.

(4). Ông già làm ruộng ở Đạo hương thôn.

(5). Người ẩn dật ở Thu sảng trai.

(6). Người đứng dưới cây chuối.

(7). Không có việc nhưng vẫn bận.

(8). Chủ hoa ở động Giang Tiên.

(9). Theo luật thơ Đường, mỗi bài thơ tám câu phải có năm câu gieo đúng vần, tức câu 1, 2, 4, 6, 8. Những vần đều quy từng nhóm, như vần đồng, vần giang, vần chi… Thập tam nguyên tức là vần “nguyên” ở hàng thứ mười ba. Bồn, hồn, ngôn, hôn đi theo mới môn, đều thuộc vần “nguyên”.

(10). Thứ hương ngửi vào đâm say sưa.

(11). Những bài thơ dưới đây, hạn vần đều gieo đúng chữ [môn, bồn, hồn, ngôn, hôn] cả, nhưng vì hạn chế của dịch thuật, chúng tôi phải dịch theo vần khác.

(12). Tiên mặc đồ trắng.

(13). Tức Dương quý phi.

(14). Mặt trăng.

(15). Con gái Trương Dật nhà Đường, có sắc đẹp. Lúc đó Trương Dật hẹn gả cho cháu ngoại là Vương Trụ, vì thế hai người vẫn quyến luyến nhau. Đến lúc lớn, Trương Dật đem gả cho người khác. Thiến Nương và Vương Trụ uất ức lắm. Sau Vương Trụ đi thuyền vào kinh, nửa đêm Thiến Nương chợt nhảy qua thuyền rồi rủ nhau trốn vào đất Thục, ở đấy năm năm đẻ được hai con. Khi về thăm nhà, Trương Dật trông thấy sợ lắm, vì con gái mình bị ốm đã mấy năm nay ở trong buồng. Khi Vương Trụ và Thiến Nương đến nhà, người con gái ấy đương nắm ở trong buồng chạy ra đón, thì hợp ngay với Thiến Nương thành một; sau người ta thường dùng chữ “Thiến Nương ly hồn” để tả người con gái vì tình mà chết.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá