Hồng lâu mộng
Lấy nghĩa sách giảng bày, cụ đồ già dạy răn chàng bướng;
Thấy ác mộng kinh khủng, gái Tiêu Tương hoảng sợ ngây hồn.
Bảo Ngọc ở trường học về, tới gặp Giả mẫu. Giả mẫu cười nói:
- Khá lắm, bây giờ ngựa rừng lên đã chịu lên cương rồi. Về gặp cha cháu một tý, rồi đi dạo chơi cho khuây.
Bảo Ngọc vâng lời đến gặp Giả Chính. Giả Chính hỏi:
- Sao về sớm thế? Thầy có đề ra cách học tập cho mày không?
- Dạ, thời giờ quy định như sau: sáng dậy ôn lại sách; ăn cơm xong tập viết; trưa đến giảng sách và đọc văn bát cổ.
Giả Chính gật đầu bảo:
- Con về hầu chuyện bà một lát, con trước hết phải lo học làm sao cho thành đạt nên người, chứ không nên chỉ nghĩ đến việc chơi bời, tối đến phải đi ngủ ngay để sáng mai dậy sớm đi học, con đã nghe chưa?
Bảo Ngọc vâng dạ tíu tít và lui ra ngoài, tới gặp Vương phu nhân rồi lại đến chào qua Giả mẫu, sau đó vội vàng chạy ra, mong sao mau tới quán Tiêu Tương. Vừa vào đến cửa, Bảo Ngọc vỗ tay reo nói:
- Tôi lại về đây rồi.
Đại Ngọc nghe tiếng giật mình, Tử Quyên vén màn lên, Bảo Ngọc đi vào phòng ngồi xuống ghế, Đại Ngọc nói:
- Nghe nói anh đi học kia mà, sao về sớm thế?
- Ái chà! Nguy quá! Hôm nay cha tôi thân hành đưa tôi đi học, trong bụng tôi tưởng chuyến này không gặp mặt cô nữa. Chật vật suốt một ngày. Bây giờ nhìn thấy các cô, tôi giống như chết đi sống lại, người xưa nói: “Một ngày dài ba thu”, câu ấy thật không ngoa.
- Anh đã về chào cậu mợ chưa?
- Chào rồi.
- Còn các chỗ khác nữa?
- Không.
- Anh cũng nên chịu khó đến thăm họ một tý.
- Giờ tôi không muốn đi đâu cả, chỉ ngồi đây nói chuyện với cô thôi. Cha tôi bảo tôi ngủ sớm sáng mai dậy sớm, đến mai hãy gặp họ cũng được.
- Anh ngồi một chút rồi cũng nên về đi nghỉ thôi.
- Tôi có mệt đâu, chỉ buồn thôi, có ngồi nói chuyện với mấy cô thì mới khuây khỏa, thế mà cô lại đuổi tôi rồi đấy.
Đại Ngọc mỉm cười rồi gọi Tử Quyên:
- Đem thứ trà Long Tỉnh của ta pha cho cậu Hai một chén. Cậu Hai giờ đi học, không phải như trước nữa đâu.
Tử Quyên mỉm cười, vâng lời đi lấy trà rồi bảo a hoàn nhỏ pha.
Bảo Ngọc nói tiếp:
- Cô còn nhắc đến việc học làm gì? Tôi ngán cái trò đạo học ấy rồi. Buồn cười nhất là thứ văn bát cổ, người ta mượn nó để lừa bịp, bòn chút công danh, kiếm bát cơm ăn, nói thế còn được. Bây giờ lại còn bảo là nói thay lời thánh hiền cơ! Nhiều lắm thì chẳng qua là đem kinh truyện ra nhồi nhét vào đầu đấy thôi. Lại còn một điều buồn cười hơn nữa là những kẻ trong bụng rỗng tuếch chỉ vơ chỗ nọ bỏ chỗ kia, làm lếu làm láo mà lại cho mình là học sâu rộng. Làm thế đâu có phải là phát triển đạo lý của thánh hiền! Bây giờ cha tôi nhất thiết bảo tôi học cái ấy, tôi không dám cãi lại, thế mà cô lại còn nhắc đến chuyện đi học nữa à?
- Bọn con gái chúng em, tuy không cần thứ văn chương ấy, nhưng lúc nhỏ khi học ông Giả Vũ Thôn, em có đọc qua. Trong đó cũng có những chỗ sâu sắc, cao xa, sát với tình cảm và hợp lý. Lúc đó tuy em không hiểu lắm, nhưng cũng thấy hay hay, không thể mạt sát hết thảy. Vả chăng anh cần lập công danh thì học thứ văn ấy cũng có phần thanh nhã, cao quí chứ!
Bảo Ngọc nghe đến đó, thấy không tài nào lọt tai được, nghĩ bụng: “Xưa nay, Đại Ngọc không phải hạng người mê thế lợi, giờ sao lại thế”, nhưng cũng không dám cãi lại, đành chỉ khịt mũi cười thầm.
Hai người đang nói chuyện, chợt nghe tiếng Thu Văn và Tử Quyên nói ở bên ngoài.
Thu Văn nói:
- Chị Tập Nhân bảo tôi sang đón cậu ở nhà cụ, ai ngờ cậu lại ở đây!
Tử Quyên nói:
- Ở đây chúng tôi vừa pha trà, để cậu ấy uống xong hãy về.
Hai người cùng đi vào. Bảo Ngọc cười nói với Thu Văn:
- Tôi cũng sắp về, lại phiền chị phải đi tìm.
Thu Văn chưa kịp trả lời, thì Tử Quyên nói:
- Cậu uống mau mau mà về đi, người ta đã nhớ suốt ngày rồi.
Thu Văn nhổ toẹt một cái rồi nói:
- Khéo cái con ranh này!
Mọi người nghe nói đều cười, Bảo Ngọc đứng dậy, cáo từ ra về, Đại Ngọc tiễn ra cửa, Tử Quyên đứng trên thềm chờ Bảo Ngọc ra về rồi mới trở vào phòng.
Bảo Ngọc về đến Viện Di Hồng, thấy Tập Nhân từ trong nhà ra đón, và hỏi:
- Cậu về đấy à?
Thu Văn nói:
- Cậu về từ sớm, nhưng ở bên nhà cô Lâm.
Bảo Ngọc nói:
- Hôm nay có việc gì không?
Tập Nhân nói:
- Chẳng có việc gì, vừa rồi bà Hai bảo chị Uyên Ương tới dặn chúng tôi: “Ông nhà nổi nóng bảo cậu đi học, nếu có đứa a hoàn nào còn dám chơi đùa với cậu, thì sẽ trị tội như trị Tình Văn và Tư Kỳ trước đây”. Tôi nghĩ hầu hạ cậu lâu nay, mà được thưởng cho những lời ấy cũng thật đáng buồn!
Nói xong, chị ta sụt sùi khóc. Bảo Ngọc nói:
- Chị ạ! Chị cứ yên tâm, tôi chăm chỉ học tập thì bà sẽ không nói gì các chị nữa đâu. Đêm nay tôi còn phải xem sách, ngày mai thầy học bảo tôi giảng sách đấy. Nếu tôi có cần sai khiến gì thì đã có Xạ Nguyệt và Thu Văn. Chị đi nghỉ thôi.
Tập Nhân nói:
- Nếu cậu quả thực chịu học, thì chúng tôi rất vui mừng được hầu hạ cậu.
Bảo Ngọc ăn cơm chiều xong, bảo thắp đèn đem sách tứ thư mà mình học từ trước, giở ra xem. Nhưng biết xem từ chỗ nào đây? Đọc xong một quyển thấy hình như trong chương nào mình cũng rõ rành, nhưng xét cho kỹ thì lại không thật rõ lắm. Xem hết lời chú thích, lại đến lời giảng, lục đục mãi đến canh khuya. Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Mình về mặt thơ từ thì thấy hiểu rất dễ dàng, mà về mặt này thì đầu óc chẳng ra sao cả”. Rồi ngẩn người ngồi nghĩ.
Tập Nhân nói:
- Cậu đi nghỉ thôi, học không phải chỉ cố gắng trong một hôm đâu mà phải làm thế?
Bảo Ngọc chỉ trả lời bâng quơ. Tập Nhân và Xạ Nguyệt hầu hạ cho Bảo Ngọc nằm xuống, rồi hai người cùng nằm ngủ. Đến khi thức giấc, thấy Bảo Ngọc vẫn trằn trọc trên giường. Tập Nhân nói:
- Cậu còn thức à? Đừng có nghĩ vơ nghĩ vẩn, phải giữ gìn sức khỏe ngày mai mà học.
- Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng vẫn không sao ngủ được. Chị lại cất bớt cho tôi một cái chăn.
- Trời lạnh cậu đừng cất bớt chăn đi.
- Trong bụng tôi bực bội quá.
Rồi Bảo Ngọc hất chăn xuống. Tập Nhân vội vàng bò lại giữ lấy, đặt tay lên đầu thấy hơi nóng liền nói:
- Cậu nằm cho yên, người hơi nóng rồi.
- Ừ đúng đấy!
- Thế là thế nào?
- Không sợ, đó là vì bụng tôi bực bội đấy thôi, chị đừng làm ầm lên. Ông biết thế nào cũng nói tôi giả ốm để trốn học, nếu không, sao bệnh lại khéo đến đúng lúc như vậy? Ngày mai khỏe tôi vẫn đi học, thế là xong chuyện.
Tập Nhân nghe cũng thương, liền nói:
- Để tôi ngủ gần cậu.
Liền đến đấm xương sống cho Bảo Ngọc một lát, rồi hai người ngủ quên lúc nào không biết, đến khi mặt trời lên cao mới dậy. Bảo Ngọc nói:
- Chết rồi! Chậm mất rồi.
Anh ta vội vàng chải đầu rửa mặt xong, đi hỏi thăm sức khỏe mọi người rồi qua trường học ngay. Đại Nho đổi sắc mặt nói:
- Chẳng trách gì cha cháu nổi giận nói cháu hư thân, mới hôm thứ hai cháu đã lười biếng như thế. Giờ là mấy giờ rồi mới đến hả?
Bảo Ngọc kể lại việc tối hôm qua phát nóng như thế nào rồi lại đọc sách như cũ.
Chiều đến, Đại Nho nói:
- Bảo Ngọc, có một chương sách cháu lại giảng xem.
Bảo Ngọc đến xem thì thấy là chương “Hậu sinh khả úy”(1) nghĩ bụng: “Chương này còn khá! May không phải là Đại học và Trung dung”. Bảo Ngọc liền hỏi:
- Giảng như thế nào?
- Cháu cứ theo từng ý từng câu giảng lại cho kỹ lưỡng.
Bảo Ngọc trước tiên đọc to lên một lần, rồi nói:
- Chương sách này là thánh nhân khuyên lớp trẻ, họ bảo phải kịp thời cố gắng đừng để đến...
Nói đến đó Bảo Ngọc ngước đầu nhìn Đại Nho một cái, Đại Nho biết ý, cười nói:
- Cháu cứ việc nói, giảng thì không cần phải kiêng nể gì cả. Sách Lễ ký nói “Lâm văn bất húy”(2) cháu cứ nói tiếp, đừng để đến cái gì.
Bảo Ngọc nói tiếp:
- Đừng để đến già mà không nên làm gì. Trước hết thánh nhân đem hai chữ “khả úy” để khích lệ chí khí của lớp trẻ, sau đem ba chữ “bất túc úy” (không đáng sợ) để cảnh tỉnh tương lai của lớp trẻ.
Nói xong, đứng nhìn Đại Nho, Đại Nho nói:
- Cũng được đấy, cứ giảng suốt đi nào!
Bảo Ngọc nói tiếp:
- Thánh nhân nói: Người ta sinh ra, lúc còn nhỏ, tâm tư và tài lực thông minh tài giỏi và có thể làm, thật là đáng sợ. Ai dám nói ngày sau họ không được như ta ngày nay? Nhưng nếu họ cứ nay lần mai lữa không biết chăm chỉ, đến khoảng bốn năm mươi tuổi mà không làm nên việc gì, thì hạng người đó, tuy rằng lúc trẻ hình như hữu dụng, đến lúc ấy thì trọn đời chẳng làm ai sợ nữa.
Đại Nho cười nói:
- Vừa rồi về phần ý, cháu giảng cũng rõ ràng đấy, nhưng lời lẽ có phần trẻ con, hai chữ “vô văn” không có nghĩa là không làm nên việc gì, không ra làm quan. Chữ “văn” ở đây nghĩa là mình thông suốt đạo lý, dầu không làm quan cũng là thành đạt; nếu không thế thì thánh hiền đời xưa cũng có người trốn đời không ra làm quan. Không nhẽ cũng là người không thành đạt à? Ba chữ “bất túc uý” cốt là để người ta xem xét cho cẩn thận, để đối chọi với chữ “tri “ của “yên tri” chứ không phải có nghĩa là sợ. Phải nhận rõ điểm đó mới hiểu được tinh vi, cháu có hiểu không?
- Hiểu rồi ạ.
- Còn một chương nữa cháu giảng xem.
Rồi ông ta giở qua một thiên khác, chỉ cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc xem thì thấy là chương “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả giã”.(3) Bảo Ngọc cảm thấy chương ấy châm chọc mình, liền cười lấy lòng thầy và thưa:
- Câu này không có nghĩa gì mà giảng cả.
- Nói nhảm! Thế gặp lúc ra đề mục này, cháu cũng nói không có gì mà làm hay sao?
Bảo Ngọc bất đắc dĩ phải giảng:
- Đấy là thánh nhân thấy người ta không chịu ham đạo đức, mà thấy sắc đẹp thì rất là ham, không nghĩ rằng đạo đức là cái sẵn có ở trong bản tính con người, thế mà người lại không chịu ham nó; trái lại sắc đẹp tuy cũng đã có từ khi con người mới bẩm sinh ra, không ai là không ham, nhưng đức là thiên lý, sắc là nhân dục, thế mà người ta không chịu xem thiên lý hơn nhân dục. Đây tuy là lời than thở của Khổng Tử, mà lại có ý trông mong cho người ta trở lại đường ngay và cũng để thấy rõ rằng người ta dù có ham đức vẫn là ham một cách nông cạn, phải ham đức như ham sắc thì mới là thật ham.
- Cháu giảng thế cũng được, nhưng ta có điều này muốn hỏi: cháu đã hiểu lời nói của Thánh nhân, vậy làm sao chính mình lại phạm lấy hai cái lỗi ấy? Tuy rằng ta không ở trong nhà cháu, mà cha cháu cũng không nói với ta, nhưng thật ra những tật xấu của cháu, ta điều biết hết. Làm một con người sao lại không trông mong thành đạt? Giờ đây cháu đang ở cái thời “Hậu sinh khả uý”, “Hữu văn” hay “bất túc úy”, hoàn toàn do mình làm lấy. Nay ta hẹn cho cháu một tháng, đem những sách đã đọc, ôn lại một lượt. Rồi đọc thêm văn bát cổ trong một tháng nữa, sau đó ta sẽ ra đầu bài cho mà làm. Nếu còn nhác nhớn, nhất định ta không nghe đâu. Người xưa nói: “Muốn nên người không thể lười biếng, lười biếng thì không thể nên người”. Cháu nên nhớ những lời ta dặn.
Bảo Ngọc vâng lời. Từ hôm ấy trở đi, ngày ngày đành phải học tập theo lời thầy dạy.
Từ khi Bảo Ngọc đi học, trong viện Di Hồng rất là vắng vẻ nhàn rỗi. Tập Nhân có thể làm ít nhiều công việc, chị ta cầm kim định thêu cái bao đựng hạt cau, nghĩ bụng: “Bây giờ Bảo Ngọc đã đi học, bọn a hoàn không còn lo phiền gì nữa, nếu việc này xảy ra sớm thì Tình Văn nào đến nỗi mà phải chết?” “Máu chảy ruột mềm”, bất giác Tập Nhân chảy nước mắt, chợt nghĩ đến việc mai sau, mình vốn không phải là vợ cả của Bảo Ngọc mà chỉ là vợ lẽ. Tính tình của Bảo Ngọc mình còn nắm vững được, chỉ sợ anh ta lấy phải một người vợ cả ghê gớm thì thân mình sẽ theo gót dì Vưu và Hương Lăng mà thôi. Cứ xem ý Giả mẫu và Vương phu nhân cũng như nghe những lời Phượng Thư lộ ra, thì chắc chắn người ấy là Đại Ngọc rồi. Đại Ngọc lại là một người hay ngờ vực”. Nghĩ đến đó chị ta nóng lòng đỏ mặt, tay cầm kim không biết rơi vào chỗ nào mất. Tập Nhân liền bỏ việc chạy sang nhà Đại Ngọc để dò la tình ý.
Đại Ngọc đang xem sách, thấy Tập Nhân đến liền vui vẻ mời ngồi. Tập Nhân cũng vội vàng chạy lại hỏi:
- Mấy hôm nay người cô đã khá được nhiều rồi chứ?
- Làm gì có! Chẳng qua hơi đỡ một tý thôi, chị ở nhà làm gì thế?
- Bây giờ cậu Hai đi học, trong nhà rỗi rãi, tôi tới thăm cô, nói chuyện cho vui.
Nói xong, Tử Quyên bưng trà lại. Tập Nhân vội vàng đứng dậy nói:
- Em ngồi chơi. Hôm trước nghe Thu Văn mách em nói trộm gì chúng tôi phải không?
Tử Quyên cũng cười nói:
- Chị khéo tin lời nó à? Tôi chỉ nói cậu Hai thì đi học, cô Bảo lại về nhà, đến cả Hương Lăng cũng không sang chơi, dĩ nhiên là phải buồn.
Tập Nhân nói:
- Em còn nhắc đến Hương Lăng nữa ư? Tội nghiệp chị ta gặp phải cái mụ “hung thần” ấy, không biết chị ta chịu làm sao được. - Rồi Tập Nhân giơ hai ngón tay lên và nói: Kể ra mụ ấy còn ghê gớm hơn “mợ” này nhiều, mụ ta chẳng còn đếm xỉa gì đến thể diện nữa.
Đại Ngọc tiếp lời:
- Chị ấy chịu đựng kể cũng ghê đấy! Cô Hai Vưu tại sao mà chết?
Tập Nhân nói:
- Còn phải nói! Nghĩ lại cũng đều là người, danh phận có khác nhau đôi chút, nhưng tội gì mà độc ác như thế? Đến nỗi mất cả tiếng tăm thể diện.
Đại Ngọc xưa nay không nghe Tập Nhân nói trộm như thế, nay nghe câu ấy, chắc có dụng ý gì, liền động lòng, nói:
- Kể cũng khó nói, việc trong nhà nó như thế đấy, nếu không phải gió đông thổi bạt gió lây, thì là gió tây thổi bạt gió đông.
Tập Nhân nói:
- Đã phải làm cái hạng vợ lẽ con hầu thì trong lòng đã sợ trước rồi, còn dám khinh ai nữa.
Đang nói chuyện thì thấy một bà già từ ngoài sân hỏi vào:
- Đây có phải nhà cô Lâm không? Cô nào ở trong ấy thế?
Tuyết Nhạn ra xem, nhớ mang máng là người bên nhà Tiết phu nhân, liền hỏi:
- Có việc gì thế?
- Cô chúng lôi sai đưa đồ vật biếu cô Lâm.
- Bà hãy chờ một chút.
Tuyết Nhạn vào trong thưa lại với Đại Ngọc. Đại Ngọc bảo dẫn bà ta vào.
Bà già vào, hỏi thăm sức khỏe, chưa nói là đưa biếu cái gì, mắt cứ nhìn chòng chọc vào Đại Ngọc. Đại Ngọc thấy bực mình liền hỏi:
- Cô Bảo sai bà đưa gì thế?
- Cô chúng tôi bảo đưa biếu cô một bình quả vải ướp mật ong.
Bà ta ngoảnh đầu lại thấy Tập Nhân, liền hỏi:
- Cô này có phải là cô Hoa bên nhà cậu Bảo không?
Tập Nhân cười nói:
- Tại sao bà biết tôi?
- Chúng tôi chỉ coi nhà cho bà tôi, không hay theo bà và cô tôi ra ngoài, cho nên không biết rõ các cô. Nhưng thỉnh thoảng các cô qua bên nhà chơi nên chúng tôi cũng còn hơi biết.
Nói xong, bà ta đưa cái bình cho Tuyết Nhạn, rồi ngoảnh nhìn Đại Ngọc, cười nói với Tập Nhân:
- Chả trách bà nhà chúng lôi thường nói: “Cô Lâm với cậu Bảo thật là một đôi xinh đẹp chẳng khác tiên trên trời”.
Tập Nhân thấy bà ta ăn nói xốc nổi, vội vàng nói lảng:
- Bà mệt, ngồi uống nước trà đi.
Bà già cười hì hì nói:
- Bên chúng lôi bận lắm, còn phải sắp đặt việc cô Cầm. Cô tôi còn có hai bình vải nữa, bảo đưa biếu cậu Bảo.
Nói xong, bà ta vội vã cáo từ rồi bước ra.
Đại Ngọc tuy giận bà ta vừa rồi ăn nói thô lỗ, nhưng vì là người nhà Bảo Thoa, nên không tiện nói. Chờ cho bà ta ra khỏi cửa mới nói:
- Gởi lời cảm ơn cô Bảo nhé.
Bà già miệng vẫn lẩm bẩm: “Con người đẹp đẽ như thế, trừ cậu Bảo Ngọc ra ai mà sánh nổi”.
Đại Ngọc cứ vờ như không nghe thấy. Tập Nhân cười nói:
- Tại sao người ta hễ già là hay nói lẩn thẩn, làm cho người nghe vừa giận vừa buồn cười.
Một lúc sau, Tuyết Nhạn đưa bình vải cho Đại Ngọc xem. Đại Ngọc nói:
- Tôi chẳng buồn ăn, chị đem cất đi.
Chuyện trò một lúc. Tập Nhân ra về.
Chiều đến, sắp sửa cởi đồ trang sức, Đại Ngọc vào phòng trong ngước đầu trông thấy bình vải, không khỏi nhớ đến lời nói nhảm của bà già lúc ban ngày, cảm thấy trong lòng lòng bức rứt. Giữa quãng hoàng hôn, người vắng, Đại Ngọc nghìn sầu muôn mối, chứa chất bên lòng, nghĩ bụng: “Người mình thì yếu, tuổi cũng đã lớn, xem ý Bảo Ngọc tuy một lòng nghĩ đến mình nhưng bà và mợ lại không tỏ ý gì, rất giận là lúc cha mẹ còn sống, tại sao không sớm định việc hôn nhân cho mình”. Rồi cô la lại nghĩ: “Nếu lúc cha mẹ còn sống, mà định việc hôn nhân ở chỗ khác thì làm gì được con người tài giỏi và tốt như Bảo Ngọc? Chính lúc này còn có thể liệu được”. Nghĩ đi nghĩ lại trằn trọc miên man, Đại Ngọc thổn thức không yên, than thở một hồi, nhỏ vài giọt lệ, tình tứ thẫn thờ, để cả áo đi ngủ. Đang khi mơ mơ màng màng, bỗng thấy một a hoàn nhỏ chạy đến nói:
- Ông Giả Vũ Thôn ở ngoài muốn gặp cô.
Đại Ngọc nghĩ bụng, ta tuy học ông ta, nhưng không thể so với học trò con trai, ông ta muốn gặp ta làm gì? Vả lại ông ta đi lại với cậu ta, chẳng hề nhắc nhở tới ta một lời, ta cũng bất tất gặp phải ông ta làm gì? Rồi quay lại bảo a hoàn nhỏ:
- Trong người ta đang ốm, không thể ra tiếp ông ta được. Nhờ em hỏi thăm sức khỏe và cám ơn hộ.
- Nghe đâu ông ta đến báo tin mừng cho cô, và ở Nam Kinh có người đến đón cô nữa đấy.
Đang nói thì Phượng Thư, Hình phu nhân, Vương phu nhân, Bảo Thoa đều đến, cười nói:
- Chúng tôi trước là đến mừng, sau là tiễn cô.
Đại Ngọc hoảng lên, nói:
- Các mợ và các chị nói gì vậy?
Phượng Thư nói:
- Cô còn giả vờ ngớ ngẩn nữa thôi? Chả lẽ cô lại không biết chú Lâm thăng chức lương đạo tỉnh Hồ Bắc, lấy một bà kế mẫu rất tâm đầu ý hợp. Bây giờ cha cô nghĩ bỏ cô ở đây không ra sao cả, cho nên nhờ ông Giả Vũ Thôn làm mối, đưa cô gả cho người bà con nào đó của bà kế mẫu, nghe nói là làm vợ kế, vì thế sai người đến đón cô về. Có lẽ cô về đến nhà là về nhà chồng ngay. Việc này đều là do bà mẹ kế của cô làm chủ. Bà ta sợ dọc đường không ai trông nom cô, nên lại bảo anh Hai Liễn đưa đi.
Đại Ngọc nghe nói lạnh toát cả người. Rồi cô ta lại mơ màng nhớ, hình như cha mình quả thực đang làm quan ở đấy, trong lòng cuống lên, liền hỏi liều:
- Làm gì có việc ấy. Chị Phượng nói bậy!
Bỗng thấy Hình phu nhân liếc mắt nhìn Vương phu nhân và nói:
- Nó còn chưa tin, chúng ta về thôi.
Đại Ngọc ứa nước mắt nói:
- Hai mợ ngồi một tý đã.
Mọi người không nói gì, đều cười nhạt rồi ra về. Đại Ngọc hoảng quá nghẹn ngào khóc lóc không nói nên lời. Rồi lại mơ màng hình như mình ở một chỗ với Giả mẫu, nghĩ bụng: “Việc này chỉ có xin với bà, hoặc giả còn có thể cứu vãn được chăng?”
Đại Ngọc vội vàng qùy xuống, ôm lấy chân Giả mẫu mà nói:
- Bà cứu cháu với! Về Nam thì chết cháu cũng không về. Vả lại đó là kế mẫu không phải mẹ đẻ cháu. Cháu xin ở đây với bà thôi.
Nhưng thấy Giả mẫu mặt mày lạnh lùng cười nói:
- Cái đó không can gì đến ta.
Đại Ngọc khóc nói:
- Bà ơi, sao lại thế?
- Làm vợ kế cũng tốt, lại được thêm một bộ đồ nữ trang.
- Cháu ở đây với bà, quyết không tiêu pha quá đáng đâu, chỉ xin bà cứu cháu.
- Không ăn thua đâu! Làm con gái nhất định là phải đi lấy chồng, cháu còn bé không biết đấy thôi, không thể ở đây mãi được đâu cháu ạ.
- Cháu ở đây tình nguyện làm người con hầu làm lấy mà ăn, cũng cứ vui lòng, xin bà làm chủ cho.
Thấy Giả mẫu không nói gì cả. Đại Ngọc lại ôm lấy Giả mẫu mà khóc:
- Bà ơi xưa nay bà rất từ bi, lại rất yêu cháu, sao đến khi nguy cấp bà lại bỏ cháu đi như thế? Cháu tuy là cháu ngoại bà, đã cách một tầng, nhưng mẹ cháu là con đẻ của bà, bà nghĩ đến mẹ cháu xin bà bênh vực cho cháu với.
Đại Ngọc vừa nói vừa đâm đầu vào lòng Giả mẫu, khóc lóc thảm thiết. Nghe Giả mẫu gọi: “Uyên Ương, mày đưa cô đi nghỉ, nó quấy tao mệt quá”. Đại Ngọc biết là không xong, kêu nài cũng vô ích, chi bằng tìm cách tự tử, liền đứng dậy chạy ra ngoài, giận mình không còn mẹ đẻ, tuy bà ngoại, các mợ và chị em ngày thường đối đãi với mình hết sức tử tế, nhưng chẳng qua cũng là giả dối cả. Thế rồi nghĩ: “Tại sao hôm nay không thấy Bảo Ngọc, nếu được gặp anh ấy, hoặc giả còn có cách gì chăng?” Liền thấy Bảo Ngọc đứng trước mặt, cười hì hì và nói: “Mừng cho cô nhé!” Đại Ngọc nghe câu ấy, lại càng cuống lên, không kể gì nữa, nắm chặt lấy Bảo Ngọc và nói:
- Gớm anh Bảo Ngọc! Hôm nay em mới biết anh là người vô tình vô nghĩa!
- Anh làm sao mà vô tình vô nghĩa? Em đã có chồng, thì bọn mình ai lo việc cho người nấy thôi.
Đại Ngọc càng nghe càng tức, càng bối rời, đành phải nắm lấy Bảo Ngọc, khóc, nói:
- Anh ơi! Anh bảo em theo ai?
- Nếu không muốn đi thì ở lại đây. Em vốn đã hứa hôn với anh, nên mới đến ở đây. Anh đối đãi với em như thế nào? Em nghĩ lại xem.
Đại Ngọc lại mơ màng nghĩ hình như mình đã gả cho Bảo Ngọc rồi, trong lòng lại đổi buồn làm vui và hỏi Bảo Ngọc:
- Em đã nhất quyết sống chết cũng theo anh, anh bảo em đi hay ở?
- Anh bảo em ở lại, nếu em không tin lời anh thì thử xem tim anh đây.
Nói xong, Bảo Ngọc cầm một cây dao nhỏ, rạch bụng một cái, máu tươi phọt ra. Đại Ngọc sợ quá, hồn xiêu phách lạc, vội vàng đưa tay nắm lấy bụng Bảo Ngọc, khóc, nói:
- Sao anh lại làm như thế này, thì anh giết em đi đã!
- Không sợ đâu! Anh bày tim gan cho em xem.
Rồi Bảo Ngọc thò tay vào chỗ rạch, cào lấy cào để. Đại Ngọc vừa run vừa khóc, lại sợ người trông thấy vỡ chuyện, cứ ôm lấy Bảo Ngọc khóc lóc thảm thiết. Bảo Ngọc nói:
- Nguy to! Quả tim anh không còn nữa, chết mất!
Nói xong trợn ngược mắt lên ngã lăn đùng ra.
Đại Ngọc khóc òa lên. Bỗng nghe Tử Quyên gọi:
- Cô! Cô! Nằm mơ gì thế? Mau mau tỉnh dậy, cởi áo ra mà ngủ.
Đại Ngọc trở mình một cái, thì ra một cơn ác mộng. Trong cổ vẫn còn nghẹn ngào, tim đập thình thịch, gối đầu đã ướt đầm, toàn thân lạnh ngắt: “Cha mẹ mình chết đã lâu, mình với Bảo Ngọc, hôn nhân chưa định, việc này do đâu mà ra?” Đại Ngọc nghĩ đến cảnh ngộ của mình trong giấc mộng, không nơi nương tựa, nếu thật Bảo Ngọc mà chết đi, thì biết làm thế nào? Qua nỗi đau khổ, cô ta suy nghĩ đau xót, tâm thần rối loạn, lại khóc một hồi, gối đầy nước mất, cả người ướt đẫm mồ hôi, gắng gượng ngồi dậy, cởi áo khoác ngoài ra, bảo Tử Quyên đắp chăn tử tế, rồi nằm xuống, cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Nghe bên ngoài rả rích, vi vu giống như tiếng gió, cũng giống như tiếng mưa, một chốc lại nghe xa xa có tiếng khò khè, đó là tiếng ngáy của Tử Quyên. Đại Ngọc gắng gượng bò dậy, khoác chăn ngồi một chốc, cảm thấy một luồng gió rét từ ngách cửa sổ thổi vào, nổi gai sởn ốc, vội vàng nằm xuống. Đang mơ màng muốn ngủ thì nghe trên cành trúc không biết bao nhiêu là chim sẻ, kêu ríu rít, mảnh giấy trên khung cửa sổ sáng dần. Đại Ngọc đã tỉnh hẳn, hai mắt long lanh, ho rũ rượi một hồi lâu, Tử Quyên cũng ho mấy tiếng rồi tỉnh dậy nói:
- Cô còn chưa ngủ à? Lại ho rồi, chắc là bị gió lạnh đấy. Bây giờ trời sắp sáng rồi, nhìn ngoài cửa sổ đã rõ giấy dán. Cô hãy nằm nghỉ một lát đi, phải giữ gìn tinh thần, đừng nghĩ ngợi miên man nữa.
- Tôi có phải không muốn ngủ đâu? Nhưng mà ngủ không được nữa, chị cứ ngủ đi.
Nói đoạn Đại Ngọc ho. Tử Quyên thấy vậy, trong bụng cũng thương cảm, ngủ không được nữa. Thấy Đại Ngọc ho, chị ta vội vàng đứng dậy, bưng ống nhổ lại, lúc đó trời đã sáng thật. Đại Ngọc nói:
- Chị không ngủ nữa à?
- Trời đã sáng bạch rồi, ngủ làm gì nữa?
- Vậy thì chị thay cái ống nhổ đi.
Tử Quyên vâng lời, vội vàng cầm ống nhổ để lên bàn, mở cửa phòng đi ra, rồi khép lại, buông màn hoa xuống, đi gọi Tuyết Nhạn dậy. Lúc đổ ống nhổ thấy trong đờm có dính máu, Tử Quyên giật mình bất giác thất thanh gọi:
- Trời ơi, nguy to rồi!
Đại Ngọc ở trong nhà hỏi ra:
- Cái gì thế?
Tử Quyên biết mình lỡ lời, vội vàng nói chữa:
- Tôi buột tay một cái, suýt nữa quãng cái ống nhổ.
- Có phải đờm trong ống nhổ có gì phải không?
- Có gì đâu.
Tử Quyên nỗi lòng đau xót, ứa nước mắt ra, giọng nói đổi hẳn.
Đại Ngọc thấy trong họng mình hơi tanh tanh ngọt ngọt, bụng đã hơi nghi, lại thấy Tử Quyên ở ngoài có vẻ nhớn nhác, giờ lại nghe tiếng nói của cô ta có vẻ buồn thảm, trong lòng Đại Ngọc đã biết tám chín phần, liền gọi:
- Chị Tử Quyên! Vào đi thôi. Ở ngoài ấy khéo bị lạnh đấy.
Tử Quyên “dạ” một tiếng, tiếng nói so với trước lại càng đau đớn hơn, rõ ràng là tiếng nức nở.
Đại Ngọc nghe vậy, lạnh buốt nửa người. Thấy Tử Quyên đẩy cửa vào, còn cầm khăn lau nước mắt. Đại Ngọc nói:
- Sớm mai mới dậy làm gì mà chị khóc thế?
Tử Quyên gượng cười nói:
- Tôi có khóc đâu? Sáng nay dậy thấy con mắt hơi khó chịu. Cô hình như đêm nay dậy sớm hơn mọi hôm, phải không? Tôi nghe cô ho đến nửa đêm.
- Phải đấy! Càng muốn ngủ nhưng không ngủ được.
- Người cô không được khỏe lắm, theo ý tôi cần nên tiêu khiển cho đỡ buồn, phải giữ mình là chính. Tục ngữ hay nói: “Non xanh còn đấy, còn có củi đun”. Cô ở đây, từ cụ và bà Hai trở xuống, ai lại không thương yêu cô?
Câu nói ấy nhớ gợi lại giấc mộng. Đại Ngọc cảm thấy trong lòng nhức nhối, trước mắt tối sầm, thần sắc thay đổi hẳn. Tử Quyên vội vàng bưng ống nhổ lại, Tuyết Nhạn vỗ xương sống, một chốc cô ta mới khạc ra một miếng đờm, trong có tia máu đỏ.
Tử Quyên và Tuyết Nhạn sợ tái mặt, hai người ngồi bên cạnh trông nom. Đại Ngọc mê mệt nằm xuống. Tử Quyên xem chừng nguy cấp vội vàng hất hàm ra hiệu bảo Tuyết Nhạn đi gọi người.
Tuyết Nhạn vừa ra khỏi cửa thì thấy Thúy Lũ và Thúy Mặc cười rúc rích chạy đến. Thúy Lũ hỏi:
- Tại sao cô Lâm bây giờ còn chưa đi ra? Cô chúng tôi và cô Ba đều ở bên nhà cô Tư nói chuyện về bức tranh cái vườn của cô Tư vừa vẽ.
Tuyết Nhạn vội xua tay. Thúy Lũ và Thúy Mặc giật mình hỏi:
- Có việc gì thế?
Tuyết Nhạn đem việc vừa rồi nói rõ với hai người, hai người đều lè lưỡi nói:
- Không phải chuyện chơi! Sao các chị không đến trình với cụ? Nguy lắm đấy! Các chị sao lại vớ vẩn thế?
Tuyết Nhạn nói:
- Tôi đang định đi, thì các chị đến.
Đang nói chuyện thì nghe tiếng Tử Quyên gọi:
- Ai nói chuyện ở ngoài kia? Cô đang hỏi đấy.
Ba người vội vàng đi vào, Thúy Lũ và Thúy Mặc thấy Đại Ngọc đắp chăn nằm trên giường. Đại Ngọc thấy hai người liền hỏi:
- Ai nói với các chị mà các chị nhớn nhác thế?
Thúy Mặc nói:
- Cô chúng tôi cùng cô Vân đều ở bên nhà cô Tư, bàn bạc về bức tranh cái vườn của cô ấy, bảo chúng tôi đến mời cô, không ngờ cô lại mệt.
- Cũng không phải bệnh gì nặng, chẳng qua trong người hơi mệt, nằm một lát sẽ dậy, các chị về thưa với cô Ba và cô Vân, ăn cơm xong nếu rỗi rãi mời các cô đến đây chơi một chốc. Cậu Bảo có đến bên nhà các chị không?
Hai người trả lời: “Không”.
Thúy Mặc lại nói:
- Hai hôm nay cậu Bảo đi học, hôm nào ông lớn cũng xem xét bài vở, đâu còn có thể đi chơi rông như lúc trước được nữa?
Đại Ngọc nghe nói im lặng, hai người đứng một lát rồi lén lén đi ra.
Thám Xuân và Tương Vân đang ở bên nhà Tích Xuân bàn bạc về bức tranh “Vườn Đại quan” của Tích Xuân:
- Chỗ này hơi thừa, chỗ kia hơi thiếu, chỗ này thưa quá, chỗ kia nhặt quá.
Mọi người lại bàn việc đề thơ và sai hai người đi mời Đại Ngọc đến bàn bạc.
Chợt thấy Thúy Lũ và Thúy Mặc trở về sắc mặt hoảng hốt.
Tương Vân hỏi trước:
- Sao cô Lâm không tới?
Thúy Lũ nói:
- Cô Lâm đêm hôm qua lại ốm, ho một đêm, chúng tôi nghe Tuyết Nhạn nói cô ta ho ra máu.
Thám Xuân nghe nói ngạc nhiên hỏi:
- Thật không?
Thúy Lũ nói:
- Sao lại không thật!
Thúy Mặc nói:
- Vừa rồi chúng tôi đến thăm, thấy cô Lâm mặt mày xanh xao, giọng nói rất là yếu ớt.
Tương Vân nói:
- Đã ốm như thế, sao lại còn nói được?
Thám Xuân nói:
- Sao cô lại vớ vẩn thế? Nếu không nói được thì tức là...
Cô ta đến đó bỗng nín bặt đi.
Tích Xuân nói:
- Cô Lâm thông minh như thế, nhưng tôi xem ra thì không hiểu gì hết, bạ cái gì cũng cho là thật, nhưng việc thiên hạ nào có thật cả đâu.
Thám Xuân nói:
- Đã thế thì chúng ta qua thăm cô ta một lát, nếu thật bệnh quá nặng thì chúng ta nói với chị Cả, thưa lại với cụ, mời thầy thuốc đến xem.
Tương Vân nói:
- Phải đấy!
Tích Xuân nói:
- Các chị đi trước, chốc nữa tôi sẽ sang.
Thám Xuân và Tương Vân vịn vào a hoàn nhỏ đi đến quán Tiêu Tương. Thấy hai người bước vào phòng, Đại Ngọc lại đâm ra chạnh lòng. Rồi cô ta lại nhớ câu chuyện trong mộng: “Ngay cả bà mình cũng còn như thế, huống nữa là họ, nếu mình không mời thì họ cũng chẳng đến nào”. Trong bụng nghĩ thế, nhưng ngoài mặt không thể bỏ qua, Đại Ngọc đành phải miễn cưỡng bảo Tử Quyên đỡ dậy, mời hai người ngồi.
Thám Xuân và Tương Vân đều ngồi bên mép giường, mỗi bên một người. Thấy quang cảnh Đại Ngọc như vậy họ đều thương cảm.
Thám Xuân hỏi:
- Cô lại ốm rồi sao?
- Không can gì đâu, chỉ thấy trong người mệt lắm.
Tử Quyên ở sau lưng Đại Ngọc, lấy tay chỉ trộm cái ống nhổ. Tương Vân tuổi trẻ, tính lại bộc trực, liền giơ tay cầm ống đờm lên xem, sợ hãi nói:
- Cô nhổ ra đấy à? Chết thật!
Đại Ngọc mê mệt, nhổ ra cũng không xem kỹ, giờ nghe Tương Vân nói, ngoảnh lại xem, bất giác lạnh toát nửa người. Thám xuân thấy Tương Vân xốc nổi, vội vàng nói chữa:
- Đó chẳng qua là phế hỏa bốc lên, vương ra một vài giọt chứ có gì đâu. Cái cô Vân này thấy bất kỳ cái gì cũng cứ làm nhặng lên.
Tương Vân biết mình lỡ lời, đỏ bừng mặt. Thám Xuân thấy Đại Ngọc tinh thần uể oải, có ý mỏi mệt, vội vàng đứng dậy nói:
- Cô hãy tĩnh dưỡng gìn giữ tinh thần, chốc nữa chúng tôi sẽ lại.
- Cảm ơn hai cô nhớ đến tôi.
Thám Xuân lại dặn Tử Quyên:
- Chị phải chăm chỉ hầu hạ cô đấy.
Tử Quyên vâng lời.
Thám Xuân vừa định đi ra, thì nghe bên ngoài có người kêu gào ầm lên.
(1). Chữ trong Luận ngữ: cả đoạn này “Hậu sinh khả úy yên tri lai giả chi bất như kim dã. Tứ thập ngũ thập nhi vô văn yên, diệc bất túc úy yên nhi hĩ”, nghĩa là lớp trẻ là đáng sợ, biết đâu sau này không như ngày nay. Người bốn, năm mươi tuổi mà không có tiếng tăm gì, thì cũng không đáng sợ.
(2). Khi giảng tới câu này không phải kiêng kỵ.
(3). Cũng ở trong Luận ngữ: Ta chưa thấy ai ham đức như ham sắc đẹp.