Cha con nghĩa nặng

Trần Văn Sửu đi thăm ruộng từ hồi trưa, nửa chiều anh ta mới lơn tơn trở về nhà. Anh ta ở Giồng Ké, mà làm ruộng của bà Hương quản Tồn dưới giồng Phú Tiên, nên bận đi cũng vậy mà bận về cũng vậy, phải di khúc lộ Càng Long lên Vũng Liêm chớ không có ngã khác.

Anh ta mặc một cái áo đen nhùn nhục, một cái quần vắn lại đứt tả tơi, đầu bịt trùm một cái khăn rằn, miệng ngậm trầu một búng, tay mặt cầm một khúc cây cóc, tay trái xách một xâu hai con cá lóc với ba bốn con cá rô đi thăm ruộng thấy ruộng trúng, lúa gần chín mà lại bắt cá cạn được ít con, bởi vậy anh ta đi về, ngoài mặt hân hoan, trong lòng thơ thới.

Hai đứa con lớn của anh ta, là thằng Tý với con Quyên, đương ngồi nhồi đất nắn trâu chơi giữa sân, chúng nó thấy cha về thì lật đật đứng dậy, con Quyên chạy ra ôm bắp vế còn thằng Tý thì giựt xâu cá mà hỏi rằng: “Cá ở đâu cha bắt đây cha?” Trần văn Sửu cười ngỏn ngoẻn và đáp rằng: “Bắt trong ruộng chơi, sao lại ngồi ngoài nắng vậy con, không sợ nhức đầu hay sao hử? Thằng Tý bày đặt quá! Chơi đất chơi cát, hai anh em mặt mày tèm lem đem xâu cá vô cất đi con, đặng cha tắm cho con Quyên”.

Thằng Tý ở trần trùi trụi, mặt mũi có lươm có quành[1], hai bàn tay bùn đất còn dính cục, nó xách xâu cá lăng xăng chạy vô nhà. Trần Văn Sửu nắm tay con Quyên dắt lại khạp[2] nước dựa hè, rồi cởi áo con nhỏ ra, múc nước xối mà tắm cho nó. Anh ta kỳ tay, kỳ chơn và gội đầu xong rồi mới thay quần áo cho nó.

Thằng Tý vừa mới xối nước thì cha nó kéo con Quyên và nói rằng: “Con đứng xê[3] đàng kia mà tắm chớ, con đứng gần con xối nưóc ướt mình cha hết còn gì” thằng Tý cười rồi múc nước chạy lại đứng dưói cây chùm ruột mà xối. Trần Văn Sửu kỳ mài cho đứa nhỏ sạch sẽ rồi, mới sang qua gội đầu cho đứa lớn. Con Quyên thấy cha nó bỏ mà tắm cho anh nó, thì nó vụt chạy vô nhà. Trần Văn Sửu gội đầu cho thằng Tý xong rồi, anh ta lục thục vô sau.

Thị Lựu, là vợ của Sửu, mình mặc một cái quần lãnh đen, một cái áo vải đen còn mới, đầu gỡ láng nhuốt, răng đánh trắng nõn, tai đeo một đôi bông có nhận hột thủy tinh, cổ đeo một sợi dây chuyền có trái tim treo nhỏng nhảnh, tay mặt có đeo một chiếc đồng trơn, tay trái có đeo một cái niệt chỉ, đang bồng đứa con nhỏ hết, đứng dựa cửa, thấy chồng đi về đã không thèm hỏi mà lại còn nguýt một cái nữa.

Trần Văn Sửu lột khăn rằn bịt trên đầu đó mà lau mặt rồi lại bộ ván kéo khay trầu đứng têm mà ăn. Anh ta nói rằng: “Ở nhà sao không rầy sắp nhỏ, để nó chơi dơ dáy quá”.

Thị Lựu day vô hứ một cái rồi đáp rằng: “Chơi giống gì mà dơ dáy thứ con nít thì nó chơi, giỏi sao không ở nhà đó mà giữ nó”.

Trần Văn Sửu nín khe, bỏ đi thẳng vô nhà sau. Anh ta thấy bếp núc lạnh tanh mà sắc mặt chẳng có lộ một chút giận nào hết. Anh ta xách nồi đi xúc gạo đem vo, rồi nhúm lửa bắt lên mà nấu. Thị Lựu không thèm léo vô bếp, chỉ có thằng Tý với con Quyên xẩn bẩn một bên cha nó đó mà thôi. Sửu hỏi thằng Tý rằng: “Má con có ở đằng trước hay không con?” Thằng Tý lắc đầu và nói rằng: “Má bồng em đi chơi từ nãy giờ lận mà”.

Sửu nghe vợ đi chơi mà cũng tự nhiên chớ không gận. Anh ta biểu thằng Tý coi chụm lửa, còn anh ta thì xách xâu cá đem ra hè ngồi mà làm, rồi bỏ vô nồi mà nấu. Chừng cơm cá chín rồi, anh ta kêu thằng Tý mà biểu rằng: “Tý con đi kiếm má con về ăn cơm con”.

Thằng Tý chạy đi, con Quyên đói bụng đòi ăn trước, nên cha nó bới cho nó một chén cơm, chan ít muỗng nước cá vô rồi đưa cho nó ăn, con Quyên ngồi dựa cha mà ăn cơm, có con nèo mướp lẩn quẩn một bên, cạ lưng vào cánh tay nó, mà cổ kêu khò khè.

Trần Văn Sửu nằm ngay trên võng, mắt ngó con coi bộ vui vẻ lắm.

Cách một hồi lâu thằng Tý chạy về, Thị Lựu cũng bồng con về theo sau. Trần Văn Sửu dỡ cơm múc cá rồi vợ chồng con cái xúm lại mà ăn. Tuy Thị Lựu trang điểm mà đi dạo xóm, để chồng tắm rửa cho con, để cho chồng nấu cơm làm cá, nhưng mà chừng ăn cơm rồi chị ta bưng chén dĩa đem đi rửa chớ không bắt chồng làm tới việc ấy nữa. Trong lúc vợ dọn dẹp sau bếp thì chồng bồng đứa con nhỏ hết ra đứng chơi trước sân, thằng Tý với con Quyên xẩn bẩn một bên, con nói đỏ đẻ cha chúm chím cười, tình cha con coi khắn khít lắm.

Trời tối lần lần, Thị Lựu đốt đèn trong nhà rồi bước ra sân. Trần Văn Sửu muốn giao đứa nhỏ lại cho vợ thì Thị Lựu nói rằng: “Dữ hôn! Thứ bồng con một chút rồi chết hay sao; nên hễ thấy mặt thì lật đật mà giao?” Anh ta bị vợ rầy mà anh ta lại cười ngỏn ngoẻn, xóc vác thằng nhỏ lên vai rồi thủng thẳng đi ra lộ, thằng Tý với con Quyên lăng xăng chạy theo.

Có một cái xe hơi phía dưới Phú Tiên chạy lên, bụi bay mù mịt, bóp kèn te le, con Quyên bước ra đường đứng dòm, cha nó nắm tay nó lại và nói rằng: “Ra ngoải làm gì? Xe cán chết đa, đứng trong lề đây mà coi”. Xe chạy ngang qua một cái vù, mấy cha con Trần Văn Sửu dứng ngó trân trân.

Trần Văn Sửu dẳt con đi dài theo lộ mà chơi, gió thổi hiu hiu mát mặt, sao giăng sáng sáng đều trời, dế ngâm rỉ rả bên chưn, ngọn lúa oặc òa dưới ruộng, thằng nhỏ vác trên vai buồn ngủ rồi ngủ, Trần Văn Sửu lần bước trở về nhà.

Nhà lá ba căn xịch xạc, phía ngoài mà chính giữa có dọn một bàn thờ, trước bàn thờ có lót một bộ ván dầu, lại có một cái ghế nghi[4] bên tay mặt thấy có một cái cối xay lúa, còn dựa vách thì dựng nào là giằng xay nào là chuôi cày, nào là cần câu, nào là cuốc, phảng bên tay trái thấy có một cái chõng tre nhỏ, còn trên vách thì móc nào là thúng rổ, nào là giỏ, nào là vòng hái. Nhà chừa có một cái cửa căn giữa, hai bên thì dừng vách lá khúc dưới, còn khúc trên thì gài tre có lỗ vuông vuông. Chong đèn leo lét để trên ghế nghi, ánh sáng giọi vô bàn thờ trống trơn; duy thấy trên bàn có cái chậu nhỏ để cắm nhan, một cái lon sữa bò và một cái tô đá mà mẻ miệng hết một miếng bằng ngón tay. Trên vách có treo một bộ tượng bốn tấm, giấy đỏ chữ đen, mà tấm đầu lại đứt khúc dưới mất hai ba chữ.

Trần Văn Sửu bước vô nhà, thấy vắng teo thì kêu rằng: “Mầy a, em nó buồn ngủ rồi, đem nó vô buồng dỗ ngủ chút”. Không nghe ai trả lời hết, anh ta đi vô buồng thì cái mùng vợ còn vắt lên chớ chưa bỏ xuống, cái giường trống lổng không có vợ nằm. Anh ta đi thẳng vô thì dưới bếp tối mò, cũng không có vợ ở đó. Anh ta bồng con trở lên buồng, để con nằm trên giường, rồi giũ mùng bỏ xuống. Thằng nhỏ khóc kêu má, mà má nó đâu mất nên cha nó phải leo lên nằm với nó. Cách một hồi, thằng nhỏ ngủ rồi, cha nó mới lén leo xuống mà bước ra ngoài.

Thằng Tý với con Quyên đang nằm ở trên bộ ván mà chơi. Trần Văn Sửu lại gần cái ghế nghi rồi kéo khay trầu têm mà ăn. Con Quyên ngồi dậy, hai tay ôm vòng trên cổ cha nó và hỏi rằng:

- Má, đi đâu, cha há?

- Đi chơi đâu bên chợ.

- Má đi chơi mà má hỏng dắt ta đi với chớ.

- Dắt con đi làm gì?

- Dắt đi chơi.

- Má con đi có chuyện gì đó chớ phải đi chơi hay sao mà dắt con theo.

- Chuyện gì? Tôi biết mà, má đi qua bên Hương hào mà chơi chớ chuyện gì. Cha dắt tôi đi chơi cha.

- Đi rồi bỏ nhà hay sao con?

- Để anh Tý coi nhà.

- Em nó dậy nó khóc rồi ai dỗ nó.

- Thôi cha nói thơ nghe chơi cha.

- Ừ, con nằm xuống đi, rồi cha nói thơ cho con nghe.

Con Quyên buông cổ cha nó nằm ngay chính giữa ván. Thằng Tý nằm đầu ván đằng kia mà co chân lên gãi sạt sạt. Trần Văn Sửu kéo gối nằm đầu đàng nầy rồi nói thơ “Bạch Viên Tôn Các” một hồi rồi mới sang qua thơ “Lục Vân Tiên”. Anh ta gác tay qua trán, nhắm mắt hả miệng mà nói, nói đã thèm ngóc đầu dòm con, thấy hai đứa đều ngủ hết, anh ta mới nín.

Thằng nhỏ nằm trong mùng cựa mình khóc óe lên. Trần Văn Sửu lật đật chạy vô nằm một bên mà dỗ nó.

Thị Lựu đi chơi về, bước vô buồng thấy chồng nằm với con thì hỏi rằng:

- Làm giống gì vô nằm sầm sầm đó?

- Thằng nhỏ nó khóc ta vô ta dỗ nó chớ. Đi đâu dữ vậy?

- Đi đâu hỏi làm chi? Không cho đi chơi bời gì hết sao?

- Ta hỏi cho biết vậy mà.

- Tao không muốn mầy hỏi. Đi ra ngoải. Vô nằm trên gối ta rồi làm dính mồ hôi, hôi rình ai mà chịu cho được.

- Khéo nói hôn! Tưởng ta là trâu chó gì đây hay sao nên hôi.

- Không phải trâu chó, mà cái hôi kỳ cục lắm, không ai chịu được.

Trần Văn Sửu dở mùn leo xuống đất rồi thủng thẳng đi ra. Khi ra tới cửa buồng, thấy dựa vách có hai cái lược một cái dày một cái thưa bèn lấy luôn hết hai cái rồi ra ngồi dựa đèn xổ đầu tóc mà chải. Anh ta gỡ lược thưa rồi chải lược dày, chải mỗi cái đều kê gần đèn bắt một vài con chí bỏ vô miệng mà cắn. Trống bên nhà việc[5] làng trở canh hai, anh ta mới chịu cất lược, sập cửa tắt đèn, rồi nằm chung với hai đứa con lớn mà ngủ.

Trần Văn Sửu năm nay đã được ba mươi lăm tuổi rồi, còn vợ là Thị Lựu mới có ba mươi mốt tuổi. Hai vợ chồng ăn ở với nhau hơn mười ba năm, sanh được có ba đứa con đó mà thôi. Thằng Tý mười hai tuổi, con Quyên sáu tuổi còn đứa nhỏ hơn hết tên là thằng Sung mới được ba tuổi.

Trần Văn Sửu gốc ở làng Trung Trạch, thuộc về tỉnh Vĩnh Long, cha hồi trước làm làng, không biết công lao đặng mấy năm, mà lên tới chức Hương bộ. Nhà thì nghèo còn mẹ thì bịnh hoài nên lúc Sửu còn nhỏ thì anh ta cực khổ lắm. Khi anh ta được hai nươi tuổi, cha mẹ khuất hết, ở trong làng không có phương kế làm ăn, anh ta mới bán cái nhà rách được bảy đồng bạc, rồi ra ấp Phú Tiên thuộc làng Trung Nghĩa ở đậu nhà Hương tuần Tam mà đi làm mướn.

Hương thị Tào nhà ở Giồng Ké cũng thuộc làng Trung Nghĩa có một đứa con gái tên là Nguyễn Thị Lựu, tuy con nhà nghèo mặc dầu, mà mặt mày sáng sủa, đi đứng dịu dàng. Vợ khuất sớm, anh ta có vốn ít chục đồng bạc, nên lãnh bài sanh ý[6]. rồi mua hàng vặt chút đỉnh như trầu cau, thuốc giấy, dầu lửa, bánh in mà bán với đứa con gái. Trần Văn Sửu thường hay ra chợ Giồng Ké mà làm mướn và nghỉ trưa hay ghé quán của Hương thị Tào mà chơi. Hương thị Tào thấy Sửu côi cút thiệt thà, siêng năng, giỏi giắn, không bài bạc, không rượu trà, thì đem lòng thương nên kêu mà gả Thị Lựu, đòi góp các lễ có bốn chục đồng mà thôi.

Trần Văn Sửu thấy Thị Lựu thì phải lòng, mà cũng muốn có nơi nương dựa làm ăn, nên tuy nghèo, song cũng phải rán kiếm vay bốn chục đồng bạc mà cưới vợ.

Sửu cưới vợ rồi thì về ở chung với cha vợ mà làm mướn. Năm đầu mắc vợ có thai nghén, phải lo thuốc men, rồi kế đẻ thằng Tý tốn hao thêm nữa, nên Sửu trả nợ không nổi, phải xin trả tiền lời, để vốn lại năm sau. Anh ta làm cháy da phỏng trán, lo quên ngủ quên ăn; làm hết sức, lo hết hơi mà đến năm năm mới dứt nợ được.

Chừng Thị Lựu có nghén con Quyên, chị ta sanh sứa, đòi cất nhà riêng mà ở. Trần Văn Sửu không tiền, nhưng vì muốn vừa lòng vợ, nên phải đi vay ba chục đồng bạc mà cất một cái nhà lá nhỏ ba căn, ở phía bên kia cầu, rồi vợ chồng dọn về mà ở.

Hương thị Tào thương con rể, muốn chúng nó ở chung hủ hỉ cho vui, mà Thị Lựu không biết nghĩ, đành bỏ cha mà ra tư ra riêng, làm cho Hương thị Tào phiền trong lòng, bởi vậy vợ chồng Trần Văn Sửu dọn về nhà mới, Hương thị Tào chẳng hề khi nào thèm bước chân tới cửa.

Trần Văn Sửu tánh thiệt thà hiền hậu, cứ lo củi lục làm ăn, không tranh hơn thua với ai hết. Còn Thị Lựu tánh bồng chành, bốc chách, cứ ăn no dạo xóm tối ngày, không lo giúp đỡ cho chồng mà cũng ít lo việc trong bếp. Đã vậy mà chị ta còn hỗn ẩu với chồng nữa, hễ chồng có nói động tới thì mắng chưởi tưng bừng. Vợ chồng tánh nết khác nhau như vậy mà ở với nhau được, ấy là vì Trần Văn Sửu mỗi việc mỗi nhịn luôn luôn, nhịn cho đến những việc vợ quấy mà cũng không dám nói. Thị Lựu thấy vậy lại càng thêm lừng, ở trong nhà muốn làm việc gì tự ý, đêm như ngày muốn đi đâu cũng tự do, nhứt là trong bốn năm sau đây, chị ta hay trang điểm, hay se sua, nhà thì nghèo mà không biết chị ta làm thế nào có quần áo mới mặc hoài, lại sắm tới vòng đồng, dây chuyền nữa.

Khi đẻ thằng Sung ra rồi, Trần Văn Sửu than với vợ không biết làm sao mướn ruộng cho được mà làm. Thị Lựu hứ một tiếng rồi nói rằng: “Khó dữ hôn! Anh Hương hào Hội hóa đất cho bà Hương quản Tồn cả ngàn công, như muốn làm thì ta nói với ảnh để cho ít chục công mà làm, chớ khó gì”. Trần Văn Sửu nghe vợ nói như vậy thì mừng nên xúi vợ đi hỏi đất liền. Thiệt quả Thị Lựu đi một buổi thì mướn được cho chồng ba chục công đất.

Từ đó đến sau, Trần Văn Sửu mới có ruộng mà làm, mỗi năm té chừng một trăm giạ lúa, vừa đủ cho vợ con ăn mà thôi, nên trong mấy tháng gặt rồi, phải đi làm thuê làm mướn, hoặc đắp đất, hoặc lợp nhà, hoặc chèo ghe, hoặc vác lúa mới có tiền mà mua sắm áo quần, xây xài với thiên hạ.

Mấy người chơn chất, từ miệt Giồng Ké xuống tới Phú Tiên ai thấy gia đạo của Trần Văn Sửu như vậy thì cũng cho là vô phước. Mà Trần Văn Sửu cứ an ổn lo làm ăn như thường, chẳng hề buồn rầu về nỗi vợ con mà cũng chẳng hề than phiền về sự cực khổ.

Biết thủ phận thì khỏi mệt trí, biết nhịn nhục thì được an thân. Ngặt vì người khôn ngoan dầu muốn cho lắm cũng khó làm được, bởi vậy cang thường hay tan rả, gia đình mới khuynh nguy.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá