Đoạn tuyệt

Một mình Loan ngồi trên cái hòm da đen, dựa lưng vào tường, khoanh tay, đưa mắt nhìn quanh gian nhà trống không. Đồ đạc đã cho lên cả xe bò đem lại nhà nàng mới thuê, vì cái nhà này, cái nhà của cha mẹ nàng, của nàng nay đã bán cho người ta rồi. Loan nhờ Thảo tìm hộ người mua, trong hai tháng mới bán được đúng ba nghìn bạc đủ tiền trả món nợ bà phán Lợi. Từ ngày bà Hai mất đi đó đến nay trên bốn tháng đó Loan chỉ quanh quẩn với cái ý tưởng bán nhà để trả nợ. Nàng muốn không còn dính dáng một tí gì với đời cũ nữa. Còn lại một mình, nàng mong giũ sạch bụi đường cũ, để thảnh thơi tiến bước một cảnh đời mới mà nàng vẫn khao khát bấy lâu.

Từ sáng đến giờ, trong lúc dọn nhà, nàng có cái cảm tưởng như người sắp sửa bắt đầu một cuộc đi chơi xa; nàng hồi hộp lo sợ, nhưng trong cái sợ có lẫn cái vui sắp được sống một cuộc đời tự lập, không lụy đến ai và không ai quấy rầy mình được.

Tiếng người hỏi ở cửa làm nàng giật mình ngoảnh mặt trông ra. Bà Đạo và bà Cả Toại, một người dì của Loan vừa đi vào vừa ngơ ngác nhìn quanh:

- Làm sao thế này?

Loan mỉm cười đáp:

- Thưa cô, cháu dọn nhà.

- Làm sao lại dọn nhà?

- Nhà bán thì phải dọn đi, không đi người ta cũng không cho ở.

Bà Đạo còn ngạc nhiên:

- Chị bán nhà mà chị không nói qua với tôi một lời.

Loan yên lặng không đáp. Nàng cũng biết rằng nói qua với bà cô cũng không sao, nhưng nàng có ý giấu để tỏ ra rằng nàng muốn toàn quyền hành động, mà việc của nàng là việc riêng, không dự đến ai cả.

- Làm sao chị bán nhà.

- Cháu cũng vừa định nói để cô rõ. Cháu bán nhà để trả nợ bà Phán ở dưới ấp... Cháu phải bán vội, nếu không thì bà ấy cũng tịch ký. Bà ấy đã có thư dọa ngay từ khi mẹ cháu mất. Cháu bán vừa đủ trả nợ, bây giờ chỉ còn có hai bàn tay không.

Bà cả Toại nói:

- Hôm nay xấu ngày thế mà chị dọn nhà. Bây giờ chị định đi đâu?

- Cháu đã thuê được nhà ở dưới kia. Cháu định mở trường dạy học.

- Thế chị ở một mình.

Loan mỉm cười đáp:

- Thưa cô, không ở một mình thì ở hai mình sao?

Bà Đạo ngắt lời:

- Chị này lúc nào cũng đùa được. Chị ở thế bất tiện lắm. Tìm nhà dạy học thôi, còn chị thì về nhà tôi mà ở.

Loan biết bà Đạo thật tình muốn Loan về ở với mình, nhưng chính vì thế mà Loan sợ. Loan tìm cớ thoái thác:

- Thưa cô, khác nhà chớ có khác gì đâu. Bấy lâu cháu ở nhà một mình được, thì đến đằng kia không ở một mình được sao?

Thấy bà Đạo nói khẩn khoản mãi mà lời nói có ngụ ý bắt buộc, Loan không nhịn được nữa, nói vắn tắt mấy câu:

- Thưa cô, cháu đã nghĩ kỹ rồi.

Nghe giọng nói quả quyết của Loan, bà Đạo hiểu ngay rằng bà không thể sai khiến được Loan nữa, đối với đứa cháu ấy, bà không có quyền hành gì cả.

Bà nhìn vào trong, thấy bàn thờ ông Hai, bà Hai còn để đó, liền nói:

- Chị chưa đem bàn thờ đi?

Loan đáp:

- Lư hương với cây nến cháu đã bán đi rồi, đấy chỉ có cái bàn không, cháu để lại cho chủ mới.

Bà Đạo nói giọng trách móc:

- Tôi chỉ thương hại anh chị tôi không người thừa tự; để tôi đem bát hương về thờ vậy.

Loan nói:

- Cháu thì cháu chỉ biết thờ ở trong lòng. Cần gì phải bàn thờ, cần gì phải cần người thừa tự. Thừa tự làm gì để cho họ ngồi đấy hưởng, rồi lạy bày vẽ lắm trò lôi thôi.

Loan nhớ lại đưa đám bà Hai, một mình nàng chống cự với tất cả họ, nàng nhất định không tế lễ, cỗ bàn gì cả, lẳng lặng thuê xe đòn đưa mẹ đi nghĩa địa mặc những lời nhiếc móc, mỉa mai.

Có tiếng xe đỗ, bà Toại nhìn ra hỏi Loan:

- Ai ấy?

- Bà chủ nhà này.

- Thôi, chúng tôi về. Chị dặn bà chủ nhà để tôi cho người lại lấy bát hương. Chị văn minh thì thôi từ rày mặc chị.

Loan cố giữ vẻ tươi, tiễn hai bà ra cửa.

Sau khi đã giao nhà cẩn thận cho bà chủ nhà, Loan lên xe về chỗ ở mới. Nàng có cái cảm tưởng rằng lúc lên xe mới thực hẳn là lúc bắt đầu cuộc đời mới của nàng.

Chỗ ở của Loan là một lớp nhà hai gian ở vào góc vườn một cái đền cổ. Gian nhà nhỏ Loan dùng làm buồng ngủ, còn gian rộng dùng làm lớp học. Bàn ghế và bảng đen thì Loan đã nhờ Thảo mua rẻ lại của một trường học tư. Tuy ở trong đền, nhưng vì vườn rộng và có cửa ra vào riêng, nên cũng không có gì bất tiện. Đầy tớ của nàng thì vẫn là con sen trước kia ở với bà phán Lợi, sau Loan gọi về nuôi từ khi nó bị bà Phán đuổi đi.

Lúc Loan về tới đền thì Lâm và Thảo đã có ở đấy rồi. Thảo cười nói:

- Vợ chồng tôi đến xem nhà mới của chị... Và trường học của chị.

Thảo vừa nói vừa chỉ tay ra hiệu bảo Loan nhìn vào trong nhà. Loan ngạc nhiên mừng rỡ:

- Kìa có bàn ghế rồi kìa! Ai đem lại bao giờ thế?

- Tôi vừa cho khiêng lại trong khi dọn nhà. Bây giờ bàn ghế đã có, chỉ còn đợi học trò nữa là có thể gọi bạn tôi là bà giáo được rồi.

Lâm nói chữa:

- Cô giáo chứ lại, cô giáo nghe trẻ hơn...

Thảo cười:

- Cậu khá đấy. Đã mấy năm nay, bây giờ mới thấy cậu nói một câu có duyên.

Loan bẽn lẽn cúi mặt, đôi má hay hay đỏ:

- Anh giáo nói thế mà đúng. Em chỉ muốn làm cô giáo suốt đời... Không làm bà...

Rồi nàng nói lảng sang chuyện khác:

- Em được như thế này thực là mãn nguyện lắm rồi. Có lẽ từ nay em sẽ được sung sướng.

Rồi Loan mời Thảo ngồi ở bức tường lan can. Bên cạnh nàng, một cây lựu gió đưa phơ phất, hoa đỏ nở đầy như những nụ cười tươi thắm đón chào mùa hè rực rỡ sắp tới. Loan nói:

- Có lẽ em còn vất vả nhiều, nhưng em không ngại. Trong bao lâu em chỉ ao ước sống cái đời tự do, rộng rãi, không cái gì bó buộc, bây giờ được như thế, em hãy vui đã...

Nàng giơ tay ngắt một bông lựu vừa tẩn mẩn bứt cánh vừa nói:

- Thế mới biết cái hạnh phúc ở đời giá cũng đắt thật... Kể ra muốn như thế này thì phỏng có khó gì đâu, đáng lẽ có thể được ngay từ bao giờ rồi, thế mà...

Loan dịu giọng nói thong thả như người kể chuyện:

- Đáng buồn nhất là phải đợi đến lúc những người thân yêu mất đi rồi mới thấy được hạnh phúc. Sao ngay từ độ thầy me em còn, lại không thể thế được. Cớ sao vậy?

Nhìn những cánh hoa lựu rơi rải rác trên vạt áo trắng, Loan tự nhiên thấy thoáng hiện trong trí cái ý tưởng so sánh những cánh hoa với những giọt máu còn tươi. Nàng cau mày chua chát nói tiếp:

- Dễ dàng như thế mà trải qua bao nhiêu khổ sở, tay nhuộm máu, thân phải tù tội mới có thể được.

Thấy con sen bưng khay nước ra, Loan giũ những cánh hoa trên áo, đứng dậy vui vẻ mời Lâm và Thảo:

- Anh chị xơi nước... Em bây giờ sống cô độc thế này, chỉ mong anh chị đến chơi cho vui.

Thoáng nghĩ đến Dũng, nàng đăm đăm nhìn nước ở trong chén bốc lên, giọng nói xa xăm:

- Ở đời không biết thế nào cả. Bao nhiêu người thân yêu mất dần. Bây giờ chỉ còn có anh chị mà thôi. Còn ai nữa?

Thảo muốn nhân câu nói của Loan để hỏi dò ý tứ Loan đối với Dũng, điều mà nàng vẫn muốn biết rõ từ hôm ăn tiệc mừng Loan. Nàng làm như người vô tình, thẫn thờ nói:

- Còn anh Dũng không biết độ này ẩn núp ở đâu mà không thấy tin tức gì cả.

Loan đáp:

- Bây giờ thì anh ấy còn nghĩ gì đến chúng mình nữa. Từ ngày anh ấy đi tới giờ dễ thường đã năm, sáu năm rồi, còn gì...

Thảo nói:

- Giá bây giờ anh ấy về thì chắc thấy nhiều sự thay đổi. Không biết anh ấy có xem nhật trình không?

Lâm cười đáp:

- Anh ấy mà lại không đọc nhật trình.

- Thế thì chắc anh Dũng biết việc chị Loan?

- Sao lại không biết.

Câu chuyện đến đây thì ngừng hẳn lại, ba người lẳng lặng uống nước và cùng một ý tưởng như nhau, nhưng không ai dám nói cho ai hay.

Loan làm như không nghĩ đến việc ấy nữa, vội vàng hỏi Thảo:

- Mai là chủ nhật phải không chị? Tôi quên cả ngày, giờ.

Lâm nói đùa:

- Cô giáo thế thì hỏng. Cần nhất ngày chủ nhật lại quên.

Loan vui mừng nói:

- Thế thì sáng mai anh chị lại xơi cơm với em mừng trường học mới và... Mừng em lên chức cô giáo.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá