Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ

Óc quan sát thế giới tự nhiên của người Việt  Nam dành khá nhiều cho đời sống và cá tính riêng của con chuồn chuồn. Bởi là, nó gần gũi với con người, trước hết là với trẻ em. Trẻ em thích chơi chuồn chuồn. Thấy chuồn chuồn là giơ tay bắt ngay, nên mới có câu hát:

“Chuồn chuồn có cánh thì bay

Đừng cho thằng bé giơ tay bắt chuồn”

Đối với tuổi nhỏ, chuồn chuồn có mặt như một thứ trò chơi và cũng như bạn bè. Bắt chuồn về cho chuồn chọi nhau; bắt chuồn về, cho chuồn cắn vào rốn, nói là để cho chóng biết bơi. Và bao nhiêu trò nữa. Chuồn chuồn thân quen và hấp dẫn với trẻ nhỏ đến thế, mà tổ con chuồn chuồn ở đâu, nghìn đời nay rồi, chẳng ai mách dùm các em một câu!

Còn trong ý thức người lớn tuổi thì khác hơn. Cũng rất quen thuộc, nhưng chuồn chuồn không còn là một thứ trò chơi nữa, mà đã đi vào chuyện làm ăn, chuyện ứng xử ở đời, có cả những điều hy vọng và những điều buồn đau. Đối với những người để tâm nhiều đến việc buôn bán, làm ăn thì có câu: Vốn chuồn chuồn, ý nói vốn ít ỏi, mỏng nhỏ, chẳng hề làm nên cơ nghiệp gì. Đối với những người quanh năm suốt tháng làm bạn với nắng mưa, với trời đất, thì truyền cho nhau câu tục ngữ:

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”

Chuồn chuồn cũng tham dự vào ý thức thẩm mỹ của dân gian Việt Nam như là sự liên tưởng - so sánh trực giác, nhờ đó mà nó được cô đúc hơn, hình ảnh sâu sắc hơn cái ý về sự hời hợt, qua loa, không chuyên chú theo lối chuồn chuồn đạp nước. Chuyện về con chuồn chuồn còn được mang vào mỗi cuộc đời trong cái phút lâm chung của họ. Đó là phút người bệnh đã mê sảng và đã “bắt chuồn chuồn”, tức là các ngón tay cứ chúm lại rồi toẽ ra, lại chúm lại, toẽ ra như động tác các ngón tay khi bắt chuồn chuồn, báo hiệu cái chết đã đến!

Con người quan sát đời sống con chuồn chuồn sâu sắc và đa dạng đến thế mà cái tổ con chuồn chuồn ở đâu và hình dáng của nó ra sao vẫn chẳng ai biết cả. Nhưng tại sao người ta vẫn nói “ai biết đâu cái tổ con chuồn chuồn”. Và văn học cứ viết, chẳng hạn như: “Ngày tháng trôi qua, hai chị em gái của Hà đi lấy chồng. Mỗi lần có tiếng pháo nổ, tiếng nhạc xập xình bên ấy, mấy đứa chúng tôi lại bảo nhau: “Thế là tổ con chuồn chuồn lại bay mất một con” (báo Văn nghệ quân đội). Thế ra tổ con chuồn chuồn lại có điều gì đó tương đồng với một gia đình sinh ra toàn con gái cả hay sao? Chuyện về cái tổ con chuồn chuồn thật là rắc rối. Con chuồn chuồn có tổ không? Chuồn chuồn làm tổ ở đâu? Hình dáng tổ con chuồn chuồn ra sao? Và tại sao để nói lên ý về sự không thể biết được, sự bí ẩn, kín mật, dân gian lại tạo lập cách nói “Cái tổ con chuồn chuồn?”

Trước hết hãy trở về đời sống sinh vật của chuồn chuồn. Chuồn chuồn là loài sâu bọ cánh mỏng, có gân. Vòng đời của chuồn chuồn không dài chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn nhộng, ba năm ở dưới nước, giai đoạn trưởng thành hai tháng. Hóa từ nhộng ra, chuồn chuồn con sinh sống kiếm ăn ở mặt nước, nên ít ai nhận biết. Đến lúc lớn lên, có khả năng tự vệ, chuồn chuồn mới bay lên cạn kiếm mồi. Cuộc sống ở trên cạn, chuồn chuồn cũng có những cá tính khác thường: không ở đâu lâu một chỗ, mà cứ nay đây, mai đó, ngày bay, đêm nghỉ. Lại có những ngày chuồn chuồn rủ nhau tụ họp, bay dăng đầy sân, đầy bãi gây một ấn tượng rộn rã, bỗng chốc lại tan đàn, bay đi mất hút cả một mùa. Lúc ở phía trước, lát ở phía sau, thoắt một cái lại biến mất vẻn vẹn chỉ có hai tháng sống trên cạn thôi mà đã mất một thời sống quanh quẩn nơi mặt nước, không có ai biết đến. Những ngày sống trên cạn thì du thủ du thực, vui đâu chầu đấy; lại có những ngày tụ họp bay rợp trời rợp đất rồi sau đó mất hút...

Tất cả những “lối sinh hoạt” ấy: “thoắt đến thoắt đi” vừa nhìn thấy đã biến mất, vừa đến đã đi, sáng bay ra, tối đi hết, gây ra cảm nghĩ “không biết đâu mà lường”, “khó mà tìm cho được”. Nhưng, có lẽ chừng ấy cũng chưa đủ chứng cứ ngôn ngữ học cho sự xuất hiện thành ngữ cái tổ con chuồn chuồn”, mà phải thêm điều này nữa: Trong cách nghĩ dân gian, con chim phải có tổ, người ta phải có nhà. Và dường như, các loài có cánh đều làm tổ, đẻ trứng và nuôi con ở tổ, thế thì chuồn chuồn cũng phải có tổ như chim có tổ để trú ngụ, đẻ trứng, nuôi con chứ! Cái logic ấy tự nhiên, chỉ có điều là, tổ chim nhìn thấy được mà tổ chuồn chuồn thì ở đâu, mà chẳng bao giờ nhìn thấy cả. Cái logic dân gian này cùng với lối sinh hoạt “nay đây mai đó”, “thoắt đến thoắt đi” của chuồn chuồn đã đưa liên tưởng con người đến với ý nghĩ về sự “bí ẩn”, “chẳng thể nào biết được”, từ đó mà có câu thành ngữ “cái tổ con chuồn chuồn” nói về cái ý đó, giống như cách nói “ai biết ma ăn cỗ” hay “ai biết ma ăn cỗ ở đâu”. Ở đây các logic dân gian và logic hiện thực khách quan không đồng nhất. Chuồn chuồn không làm tổ, nên không có tổ, do đó, không bao giờ con người tìm thấy tổ chuồn chuồn. Chuồn chuồn đạp nước, đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành nhộng. Nhộng sống dưới nước sau ba năm mới hóa thành chuồn chuồn. Cái tổ con chuồn chuồn biểu trưng cho sự “bí ẩn”, “không thể biết”. Để diễn đạt ý về sự đã biết rõ, biết tường tận điều bí ẩn nào đó, người ta phải nói biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá