Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ

Thuốc trị bệnh có nhiều vị, tất phải có vị đắng. Vị đắng khó uống hơn vị ngọt, nhưng tan bệnh. Còn vị ngọt đánh lừa cái lưỡi chứ không khỏi bệnh được. Ý nói: Thuốc có vị đắng mới trị lành được bệnh.

Ở vùng nọ, có một lãnh chúa tàn ác, sống xa hoa. Vị lãnh chúa này thường thích ăn của ngọt và nghe những lời xúi bẩy. Một ngày kia, lãnh chúa bị bệnh thập tử nhất sinh, bèn cho tìm thầy lang giỏi nhất vùng đến chữa trị. Thầy lang thận trọng bắt mạch rồi bốc thuốc. Trong đơn thuốc, thầy cho một số vị đặc trị và nói với người nhà lãnh chúa rằng: ”Tôi cắt thuốc đây tuy khó uống một chút, nhưng mà lui bệnh”.

Thuốc sắc lên rồi, bưng đến cho lãnh chúa, lãnh chúa nhấm một ngụm thuốc, bỗng nhăn mặt rồi đổ cả bát thuốc đi mà rằng:

- Người này hại ta, thuốc gì mà đắng thế, giống như thuốc độc vậy.

Rồi hô người bắt thầy giam tống vào ngục.

Người nhà cho tìm thầy thuốc tiếp theo. Biết được tính của lãnh chúa, thầy này cắt thuốc chỉ bốc toàn vị ngọt, vị bổ như: Sâm, quế, cam thảo, táo tầu, nhục, quy… mà tuyệt không dám cho vị đắng. Lãnh chúa uống khen ngọt, cho là thầy lang giỏi. Nhưng uống đến chén thứ mười thì bệnh càng trầm trọng thêm. Bệnh di căn càng uống thuốc bổ càng phát, cho đến chén thứ mười hai thì qua đời.

Lãnh chúa chết, thầy lang cắt vị đắng trước đây được thả khỏi ngục, tiếp tục đi làm nghề.

Một lần, thầy lang được mời vào chữa bệnh cho vua. Yết kiến Hoàng hậu, thầy lang mới tâu rằng:

- Thần được triệu vào cung là nhờ ơn tiên đế nhưng chẳng lấy làm vui.

Hoàng hậu mới hỏi tại sao thì thầy lang thưa tiếp:

- Bệnh tình ở ngọc thể mà ra, thuốc là trị cái gốc, cái gốc không trị được thì thần cũng lại theo bệnh tiên đế mà đi. Nhưng xin được hỏi Hoàng hậu một câu: “Người có ưa nói thật không?”.

Hoàng hậu nhân từ trả lời rằng:

- Tất nhiên, lời nói thật khó nghe nhưng tránh được hiểm họa.

Thầy lang bèn nói:

- Vậy thuốc của thần chữa cho vua cũng như lời nói thật, tất phải có vị đắng, khó uống.

Hoàng hậu cho là thầy lang này có tâm bèn truyền chữa bệnh cho vua. Thuốc được sắc lên cho vua, nhiều vị đắng, vua uống khó nhọc lắm, nhưng đến thang thứ mười hai thì bệnh thuyên giảm, uống thêm vài thang, vua đi lại được.

Khỏi bệnh, nhà vua thưởng cho thầy lang nọ, rồi phong cho chức ngự y. Thầy lang từ chối, chỉ xin cho mình một cái chứng chỉ hành nghề, mong tránh được hiểm họa. Rồi từ đó, thầy lang đã đi khắp nước chữa bệnh cho muôn dân.

Có thể từ chuyện trên mà có câu thành ngữ trên và cũng có thể từ một kinh nghiệm chữa bệnh cắt thuốc mà người đời mới có thành ngữ trên để răn đời. Nhưng dù sao đi nữa thì bài học sinh động đến nay vẫn thường coi là chân lý “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng dù có “khó nghe” và “mất lòng” đi nữa thì vẫn cần phải nói sự thật. Những người nói sự thật là những người có nhân cách, có thiện chí mong cho người khác và cho xã hội ngày thêm tốt đẹp, chứ chẳng như những người chỉ biết lấy lòng một cách rẻ tiền, hại người.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá